Án tử hình dành cho một “con người mang tên Giêsu, Con Thiên Chúa” thật là khủng khiếp: vác thập giá, đội mão gai, đánh đập, đóng đinh treo trên thập giá, lưỡi đòng đâm vào tim cho chết… Từ tạo thiên lập địa đến giờ chưa hề có án nào khủng khiếp như thế. Khủng khiếp vì tính tàn nhẫn trong cách thi hành án vô nhân đạo của bạo quyền: “Họ đã nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu qua”. Khủng khiếp vì bạo quyền không màng đến tiếng nói hay nỗi lòng của bần dân, họ cốt sao đạt được mục đích là triệt tiêu cho được cái ảnh hưởng không nên có, cái uy tín không cần thiết, và sự hiện diện của tên Giêsu nguy hiểm cho việc tồn tại quyền lực của họ…
Án tử hình khủng khiếp ấy gây nên bao hoảng sợ trong dân, và càng hoảng sợ hơn đối với các tông đồ, các môn đệ – những người có liên can với tên tử tội. Ấy vậy mới có chuyện “cửa nhà các tông đồ đóng kín”, mới có chuyện hai môn đệ kia – tạm gọi là hai giáo dân kia – không dám ở trong thành mà phải lên đường đi về phía Emmaus tạm lánh những làn tên, mũi đạn của đám bạo quyền lộng hành.
Trên đường đi tìm nơi tạm lánh, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với hai giáo dân này, và củng cố đức tin cho hai ông qua việc bẻ bánh và giải thích thánh kinh. Hai ông đã bỏ ý định chia tay các tông đồ, đã trở lại thành với các tông đồ và báo tin mình đã gặp được Đấng Phục Sinh.
Cùng lúc ấy, Chúa Giêsu lại hiện ra với các tông đồ. Tâm trạng của các ông theo Thánh Luca diễn tả là vẫn còn đang “kinh hồn bạt vía, hoảng hốt, ngờ vực, chưa tin, ngỡ ngàng”. Vì thế, Chúa Giêsu củng cố tinh thần và niềm tin của các ông: “Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”. “Người đã cầm lấy cá nướng mà ăn trước mặt các ông”. Và Người giải thích cho các ông rõ về những lời kinh thánh đã tiên báo việc Người phải sống lại từ trong cõi chết.
Tin mừng phục sinh của Chúa Giêsu là chính Ngài cho biết “Ngài đã chết thật và đã sống lại thật”, chứ không chỉ nói về việc sống lại mà quên đi việc đã chết. Việc ấy là hẳn nhiên, vì không thể có sự “sống lại” mà trước đó không có sự “chết đi”.
Đó cũng là Tin Mừng muôn đời cho mỗi chúng ta, cho mỗi Kitô Hữu Công Giáo, cho mỗi người theo con đường, theo giáo lý Chúa Giêsu Kitô: Tin Mừng của sự “chết đi” và “sống lại”. Ai không bằng lòng chết đi như Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, theo cách thức của Chúa Giêsu, thì không được sống lại như Ngài, với Ngài, và theo cách thức của Ngài. Thiết tưởng các tông đồ, các giáo dân thưở xưa khi được Chúa Giêsu hiện ra tỏ tường cái Thân Xác Phục Sinh của Ngài, hẳn không phải là để cho các ông được thoải mái dễ dàng cuộc sống ở đời này, mà ngược lại, là để cho các ông vững tin vào cuộc phục sinh mà chấp nhận đi giữa những làn tên mũi đạn oan nghiệt trong cuộc đời, vững tin và hiên ngang làm chứng cho cuộc sống lại cùng Đức Kitô, bất chấp cái chết.
Thảo nào, tuần qua, tư tưởng của Đức Cha Daniel R. Jenky, C.S.C., Giám Mục Peoria, Illinois, trong bài Giảng vào Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2012 đã gây chấn động cả thế giới: “Làm một Kitô hữu không bao giờ dễ dàng và nó không giả thiết là dễ dàng! Thế gian, xác thịt và ma quỷ sẽ luôn luôn yêu những gì thuộc về chúng, và sẽ luôn luôn ghét chúng ta. Như Chúa Giêsu đã từng bảo trước, chúng đã ghét Thầy, thì chúng chắc chắn sẽ ghét các con. Nhưng đức tin của chúng ta, khi được sống cách trọn vẹn, là một đức tin chiến đấu và một đức tin không hề sợ hãi.”
Suy niệm của Đức Cha Daniel R. Jenky quả là chí lý. Đúng là Ngài đã thẩm thấu Tin Mừng Phục Sinh là tin mừng của việc “chết đi và sống lại” và suy niệm của Ngài như một thông điệp tái khẳng định lại con đường của các Kitô Hữu: con đường chiến đấu, con đường không sợ hãi, con đường bình an vì Đức Tin vào Chúa Kitô Phục sinh và vì niềm hy vọng phục sinh vĩnh cửu.
Không ở đâu xa, nhìn vào cuộc sống của các Kitô Hữu Việt Nam cũng đủ để chứng minh rằng cuộc sống Kitô hữu không hề dễ dàng và không giả thiết dễ dàng. Vâng, các Kitô hữu Việt Nam luôn đi giữa những làn tên, mũi đạn đầy oan nghiệt – không chỉ những Kitô hữu sống trong cái túi của số phận lịch sử bức bách, mà cả những Kitô Hữu đang tưởng mình tự do trên đất khách quê người. Nếu trong cái túi đang có những làn tên bắn thẳng vào người công giáo gây kinh hồn bạt vía để họ khuất phục quyền bính của thế gian, cho dù là loại quyền bính kiểu bạo lực hay côn đồ, thì ngoài xa kia các Kitô hữu cũng đang phải đau cái đầu vị bị những mũi đạn nhắm thẳng vào giáo hội trước những vấn đề luân lý và đức tin truyền thống, vấn đề bảo vệ luật Chúa và Hội Thánh. Có nơi nào làm Kitô hữu dễ dàng đâu?
Cụ thể và gần nhất, ngay nơi bản thân, trong gia đình bạn, gia đình tôi cũng có biết bao sự khốn khó mà chúng ta phải bằng lòng chấp nhận cái chết để có sự sống lại: chấp nhận từ bỏ những ý riêng, từ bỏ những quyến rũ của thế gian xác thịt, chấp nhận chết đi tính ích kỷ, lòng tham, cơn kiêu căng tự phụ; cha mẹ phải hao mòn, tàn tạ và chết đi cho con cái; mỗi người phải nhẫn nhịn cho dù nhục nhã để giữ mối tình thân trong làng xóm, trong họ đạo…Và xa hơn một chút, một số giáo dân, linh mục chịu bức bách, xử oan, đánh đập, tù tội vì nhân danh Chúa Kitô bênh vực cho công lý, trải tình thương cho kẻ cô nhi, đem tin mừng cho người nghèo khó, đem ân sủng của Thiên Chúa cho anh em thiểu số nơi cao nguyên đại ngàn, heo hút…
Hình ảnh của Giáo Hội sơ khai trong những ngày tang tóc sau cái chết của Chúa Giêsu vẫn luôn là hình ảnh của chúng ta hôm nay, cụ thể nhất là những người đang sống trong gọng kìm của bạo quyền không tin Thiên Chúa và luôn chống lại Thiên Chúa.
Nhưng tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta. Sự bình an mà Chúa Kitô ban cho mỗi chứng nhân tin mừng của Ngài là niềm bình an đích thực…Bình an trước bạo lực, lộng hành, trước làn tên, mũi đạn; bình an trong cuộc chiến đấu cam go để bảo vệ đức tin và chân lý. Đó là bình an của Đức Kitô Phục Sinh ban cho những người chấp nhận sống trước mầu nhiệm phục sinh của đời mình. Đúng như Đức Cha Daniel R. Jenky kết luận:
“Đức Kitô Phục Sinh là Chúa Vĩnh Cửu của chúng ta; Đầu của Thân Thể Người, là Hội Thánh; vị Thượng Tế của chúng ta; Thầy của chúng ta; vị Chỉ Huy của chúng ta trong cuộc chiến đáng chiến đấu này.
Chúng ta không có gì để sợ hãi, nhưng chúng ta có một thế giới để chinh phục cho Người. Chúng ta không có gì để sợ hãi, vì chúng ta có một số phận vĩnh cửu trên thiên đàng. Chúng tôi không có gì để sợ hãi, dù đất có thể động, vương quốc có thể mọc lên và xụp xuống, ma quỷ có thể dữ tợn, nhưng Thánh Michael Tổng Lãnh Thiên Thần, và tất cả các đạo binh thiên quốc, chiến đấu thay cho chúng ta.
Bất kể điều gì xảy ra trong thời điểm chóng qua này, vào cuối thời gian và lịch sử, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa và Chúa Giêsu là Chúa, đến muôn thủa muôn đời.
Christus vincit! Christus regnat! Christus imperat!
Đức Kitô chiến thắng! Đức Kitô hiển trị! Đức Kitô truyền lệnh!
Lạy Chúa, xin cho chúng con xác tín rằng Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đang đồng hành với chúng con trong hành trình dương thế, đồng hành với chúng con giữa những làn tên, mũi đạn, giữa những bức bách đau thương, đồng hành với chúng con trong cuộc chiến đấu với tử thần; và cùng Đức Kitô, chúng con sẽ chiến thắng. Amen.
PM. Cao Huy Hoàng, 20-4-201
0 nhận xét:
Đăng nhận xét