CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B
Sách Công Vụ Tồng Đồ 10.25-26, 34-35,44-48; Thư Thứ I của Thánh Gioan 1.7-10
và Phúc Âm Thánh Gioan 15.9-17
I. Giáo Huấn P.Â.:
“Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào – Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” Chúa Cha và Chúa Con là một – Chúa Con và chúng ta cũng thành một. Nói khác đi: Hãy liên kết và hòa nhập với Chúa GIêsu.
Ai yếu mến Chúa là giữ những điều Chúa dạy. Nói khác đi, giữ luật Chúa là yêu mến Chúa.
Thiên Chúa Cha yêu mến những ai yêu mến Thiên chúa Con.
“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa… Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” Tình yêu làm cho người yêu nhau thành một và không còn phân biệt giai cấp hay khác biệt như chủ tớ.
“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em..” Con người được kêu gọi sinh ra và phục vụ cho Thiên Chúa. Chúng ta có ơn gọi làm người và phục vụ Chúa.
II. Vần nạn P.Â.
Diễn từ ly biệt của Chúa Giêsu chỉ được ghi lại trong Phúc Âm Gioan.
Phúc Âm Nhất Lãm, Matthêô, Marcô và Luca đều tường thuật về bữa tiệc ly của Chúa Giêsu và các tông đồ, cũng như việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể và cơn hấp hối trong vườn cây dầu. Tuy nhiên chỉ có Phúc Âm Gioan có diễn từ biệt ly, dài tới bốn chương từ chương 14 đến chương 17. Tại sao?
Các tác giả Phúc Âm Nhất Lãm, chỉ có tông đồ Matthêô hiện diện trong bữa tiệc ly đêm tối Thứ Năm. Đọc giả của Phúc Âm Thánh Matthêô là những Kitô hữu Do Thái gắn liền với truyền thống Do Thái Giáo. Phúc Âm được viết để đáp ứng nhu cầu phát triển của Giáo Hội Sơ Khai sau năm 70, tức sau biến cố triệt hạ đền thờ Giêrusalem và phân tán Do Thái của đế quốc La Mã.
Phúc Âm Matthêô được biểu tượng bằng hình con người. Tác giả Phúc Âm muốn diễn tả Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, là Đấng đến từ dòng dõi David chứ không nhằm diễn tả những ý niệm cao siêu và khá trừu tượng như trong Phúc Âm về diễn từ ly biệt nói về tình yêu và về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và sự thông hgiệp giữa Kitô hữu và mầu nhiệm hiệp nhất hoàn hảo nầy.
Các Phúc Âm khác như Phúc Âm Marcô hay Luca được coi như những bản sao chép của Phúc Âm Matthêô. Nên đương nhiên không thể có diễn từ ly biệt vì “bản gốc” đã không có.
Phúc Âm Gioan được viết sau cùng và có mặt ở cộng đồng Kitô hữu vào đầu thế kỷ thứ hai. Vì thành hình sau cùng nên đầy đủ nhất và chứa đựng nhiều yếu tố thần học, đặc biệt về Kitô học. Phúc Âm thứ tư được biểu tượng bằng chim phượng hoàng, bay cao, xa và trên. Rất có thể Chúa Giêsu đã không có diễn từ ly biệt rất dài đến bốn chương trong Phúc Âm Gioan. Rất có thể phần chính trong diễn từ nầy đến từ những suy tư và đời sống tông đồ của Thánh Gioan. Gioan muốn dạy cho giáo dân về giới luật yêu thương, về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và về sự liên kết giữa con người và Chúa Giêsu, nên Ông đã tận dụng những nhắn nhủ của Chúa sau khi rửa chân cho các tông đồ, để đặt vào miệng Chúa Giêsu bài diễn từ biệt ly trên.
Yếu tố chính trong diễn từ ly biệt đêm tiệc ly
Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con:
Yêu thương nhau là luật Chúa. Luật Chúa được coi là bất khả di dịch và không miễn trừ. Giới luật yêu thương có trong mười điều răn Đức Chúa Trời. Giới luật yêu thương có trong tất cả các tôn giáo. Giới luật yêu thương được đặt định trong tâm hồn mọi người. Nên có tghể nói: Yêu thương là luật tự nhiên. Ai cũng biết là mình phải yêu thương người khác và ai cũng cần người khác yêu thươngt mình.
Nhưng phải làm như thế nào để thể hiện giới luật yêu thương?
“Yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con!”
Thế nào là như Thầy yêu thương các con?
Vô điều kiện: Chúa Giêsu yêu các tông đồ không vì họ đáng yêu.
Vô vị lợi: Chúa Giêsu yêu các tông đồ không vì họ mang lợi lộc cho Chúa.
Vô giới hạn: Yêu thương đến chết và hy sinh tột cùng.
Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.
Tuân giữ giới răn Chúa truyền: Yêu thương nhau.
Đúng như Chúa đã trả lời cho thắc mắc: Đâu là giới răn cao trọng nhất?
Yêu Chúa hết tâm hồn và hết trí khôn. Yêu người khác như chính mình.
Hai điều trên gói trọn lề luật Chúa và các tiên tri.
Giới luật cốt lõi: Kính Chúa yêu người nầy làm người ta đi đến thắc mắc về giáo huấn của Giáo Hội cũng như về số nhiều và phức tạp trong những lề luật của Giáo Hội? Có nhiều người thắc mắc về vai trò của Giáo Hội trong chương trình cứu độ. Kính Chúa và yêu người là đủ. Tại sao còn có 1752 khoản Giáo Luật và vô số luật của Hội Đồng Giám Mục, của Giám Mục địa phận rồi ngay các Cha sở cũng ra luật.
Để giải thích thắc mắc trên, tôi chỉ xin trưng dẫn khoản cuối cùng trong Giáo Luật, điều 1752 nói như sau: “… đặt trước mắt luật tối cao trong Giáo Hội, đó là phần rỗi các linh hồn” Nên Giáo Hội có bổn phận giáo huấn tín hữu bằng những luật lệ hay chiỏ thị… Tuy nhiên, tất cả phải vì mang ích lợi phần rỗi cho giáo dân, tức là phải vì tình yêu thương mà ban luật. Nên nhiều giáo huấn và nhiều luật lệ để thể hiện tình bác ái cách cụ thể và thiết thực hơn.
“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa… Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu”
Chúng ta có thể hiểu như sau:
Chúa Giêsu xác quyết là: Thiên Chúa rất cao cả, nhưng không còn cách biệt chúng ta nữa. Ngài mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta. Thiên Chúa cắm lều ở giữa chúng ta. Thiên Chúa trở nên bạn của chúng ta.
Thứ đến, Thiên Chúa chọn chúng ta làm cộng tác viên của Ngài: Chúng ta được mới gọi để chia sẻ công việc cứu chuộc nhân loại của Ngài.
Chúa Giêsu xuống trần làm người có nghĩa là nhập thế, có nghĩa là hòa mình, có nghĩa đồng hóa với con người và có nghĩa là cần con người hợp tác. Nên vấn đề khiếp sợ thần linh trong đạo cũ hay kính nhi viễn chi không còn thích hợp với Tân Ước. Con người phải gần với Chúa như hai người bạn. Con người phải cộng tác với Chúa như những cộng tác viên với nhau.
Từ chỗ đó, sống đạo phải:
Sống thân tình với Chúa như bạn thân.
Phải nói chuyện và tâm sự với Chúa như tri kỷ.
Phải quan tâm chia sẻ công việc của Chúa là mang ơn cứu độ cho người khác.
Về vấn đề cầu nguyện hay tâm sự với Chúa, nên bắt chước Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su “Cầu nguyện để được nhậm lời, thì không cần phải đọc một câu kinh đặt thật hay và thật đúng hoàn cảnh. Tôi làm như mấy đứa nhỏ không biết đọc sách: chỉ nói đơn sơ với Chúa những điều tôi muốn nói, và luôn luôn Chúa hiểu tôi. Tóm lại, cầu nguyện là một cái gì cao cả, siêu nhiên, làm cho tâm hồn mở ra và kết hợp với Chúa." (Thánh Tê-rê-xa HĐ, Chuyện một tâm hồn)
“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em..”
THÁNH BARNABÊ, MÔN ĐỆ CỦA CHÚA GIÊSU: Một trưng dẫn về ơn gọi của Chúa.
Đã có lần, có dịp nghe Chúa Giêsu giảng dậy và đã chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ, thánh Barnabê đã trở thành một trong 72 môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu đã nói:” Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái...”( Ga 15, 16 ).Chính Chúa Giêsu đã chọn Barnabê để thánh nhân làm chứng cho tình yêu của Chúa và giới thiệu Chúa Giêsu cho nhiều người. Sau biến cố Chúa Giêsu lên trời, các tông đồ sai Barnabê đi truyền giáo ở Antiokia, một miền trù phú và thịnh vượng, phồn vinh nhất lúc bấy giờ. Và như lời Chúa nói:”...hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danhThầy thì Thầy ban cho anh em”( Ga 15, 16 ). Thánh Barnabê luôn có Chúa Thánh Thần tràn đầy và nhờ tài giảng thuyết, Ngài đã đưa được biết bao nhiêu người trở về với Chúa. Thánh nhân đã mời thánh Phaolô về ở với mình và cùng giảng dậy, loan báo Tin Mừng ở Antiokia. Sau đó, thánh nhân mang món tiền mà Ngài đã quyên góp được về Giêrusa lem gặp các vị kỳ mục và các tông đồ khác. Đường lối và ý nhiệm mầu của Chúa lại khác, Barnabê và Phaolô lại được trao sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, nên các Ngài lại trẩy đi Séleucie và Chypre.
III. Thực hành P.Â.:
“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em..” Tại Chúa cho tôi vậy, ai chịu không chịu thì thôi!
Thường người ta hiểu Chúa chọn chúng ta từ trong lòng thân mẫu, nghĩa là chúng ta như thế nào thì Chúa chọn thế ấy. “Tại Chúa cho tôi vậy mà!” Đây là chủ trương sống của một linh mục Việt Nam gốc người Miền Nam: Sống thành thật, dễ thương, nhưng nhiều khi lè phè hay thích du di tình cảm, có sao nói vậy. Chúa cho sao để vậy, trau chuốt là chuyện giả hình.
Nếu chủ trương như thế thì đâu còn cần có chủng viện để đào tạo hay làm cho con người chúng ta thăng tiến về đức, trí hay thể lý. Chúa chọn gọi chúng ta trong lòng thân mẫu! Đồng ý! tuy nhiên không phải chúng ta như thế nào thì Chúa phải nhận thế ấy, không cần trau chuốt hay làm cho tốt hơn.
Người Miền Nam Việt Nam thường tự hào là thành thật, có sao nói vậy. Xin đan cử vài câu nói mà tôi nghe được:
Một chị thân quen, lâu năm không gặp, vừa có dịp gặp lại, chị thành thật có ý kiến “Cha ơi Cha! Sao Cha mau già giữ vậy Cha!”
Một người quen và biết chuyện đôi chút khi đọc Đặc San NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG viết về Cha Diệp đã điện thọai cho tôi phát biểu mạnh dạn “Sai trăm phần trăm!”
Một người giáo dân đã sửa lưng tôi sau bài giảng “Nói thì nói cho trúng!” Vì anh nầy ở Sàigòn mà tôi nói sai địa danh giữa chợ Cầu Ông Lãnh và Chợ Cầu Muối.
Một Ông khá lớn tuổi đã răn dạy tôi là: “Khi đến giáo xứ nào thì phải biết giáo xứ đó đông hay ít, tinh thần như thế nào... Đem theo có một trăm quyển báo thì phát cho ai?”
Ai cũng có kinh nghiệm về những lời chân tình trên, nhưng nhiều khi quá “hai lúa và mộc mạc”. Chúa chọn chúng ta, nhưng chúng ta cần được giáo dục và thăng tiến trong lời ăn tiếng nói để thành một cộng sự viên kiến hiệu cho nước Chúa hơn. Dù biết là thành thật, tuy nhiên không mấy ai thích hay muốn nghe thêm những lời nói quá sổ sàng trên.
Tâm sự người có tuổi:
Càng có tuổi, tôi lại càng thấy sự kỳ diệu của mỗi độ xuân về.
Càng có tuổi, tôi càng khám phá ra những điều mà tôi không nhận thấy trước kia.
Càng có tuổi, tôi càng thấy những mùa xuân còn lại không còn bao nhiêu nữa.
Càng có tuổi, tôi càng sung sướng thưởng thức mỗi giây phút quý giá qua đi trong cuộc đời.
Càng có tuổi, tôi càng thấy mùa xuân mang lại cho tôi sự ngất ngây và vui sướng.
Càng có tuổi, tôi càng thích săn sóc cây và hoa của tôi, và tôi thích tâm sự với những người bạn im lặng này.
Càng có tuổi, tôi càng thích nghe chim hót; mỗi tiếng chim là mỗi một giai điệu mật ngọt rót vào tai.
Càng có tuổi, tôi càng ao ước được thấy nhiều mùa xuân trở lại.
Càng có tuổi, tôi càng thấy mình không nghĩ được như vậy khi còn trẻ.
Càng có tuổi, tôi càng muốn cám ơn cuộc sống đã cho tôi thấy thêm một mùa Xuân trở lại.
Càng có tuổi tôi càng thấy trân quý ơn gọi của Chúa cho tôi sinh làm người và chọn tôi phục vụ Ngài qua bậc sống của mình.
Xin hãy xử dụng món quà sự sống và ơn gọi làm người để làm cho đời thêm đẹp.
Đời sẽ không bao giờ hoan hảo.
Không hoàn hảo mới gọi là đời.
Không hoàn hảo mới gọi là trần.
Nếu đã hoàn hảo thì đã là trời hay thiên đàng.
Trời và thiên đàng không còn cần cứu độ hay cảm hóa.
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét