Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN_B

Posted by vanhan On 07:17 No comments

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN B
Lời Chúa: Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20


Mục lục
1. Thay đổi bản thân để đổi thay thế giới  (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên, Gp. Hải Phòng)
2. Đổi mới cuộc đời  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt) 
3. Chúa Nhật 3 Thường Niên_B  (Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa)
4. Con người mới của Nước Trời   (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)
5. Sứ mạng của tôi   (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
6. Nước Thiên Chúa đã đến  (PM. Cao Huy Hoàng)
7. Nhìn về tương lai  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
8. Bướng bỉnh và ngoan ngoãn  (Trầm Thiên Thu)
9. Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần  (Lm. Gioan Ngyễn Văn Ty, SDB)
10. Lý tưởng theo Chúa (Lm. Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc)
11. Sequela Christi – Đi theo Đức Kitô (Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.)
.
THAY ĐỔI BẢN THÂN ĐỂ ĐỔI THAY THẾ GIỚI
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua cai quản một vương quốc rộng lớn bao la. Ông muốn đích thân đi thăm những miền xa xôi của đất nước. Khi về đến nhà, đôi bàn chân ông sưng tấy và đau đớn, vì đường xá gập ghềnh sỏi đá. Ông liền ra lệnh tất cả các con đường trong vương quốc phải trải bằng da lông thú để nếu ông đi thăm vương quốc thì chân ông không còn bị đau. Cả triều đình đều thấy đó là một điều vô lý, nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Sau cùng, có một vị quan dũng cảm đã nói với vua: “Tâu bệ hạ, tại sao vương quốc của chúng ta lại phải tiêu tốn ngân khố một cách vô ích như vậy? Tại sao bệ hạ lại không cho cắt những miếng da bò rồi phủ quanh đôi chân trần của mình? Như vậy, chân Người sẽ không còn bị đau khi đi qua những con đường gập ghềnh sỏi đá, mà cả vương quốc sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc?”. Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị của vị quan, và thế là đôi giày da đầu tiên của nhân loại ra đời.
Có nhiều người muốn bắt cả thế giới theo mình, trong khi nếu mình thay đổi cách sống và quan niệm cá nhân, thì sẽ cảm nhận thế giới hoàn toàn khác. Thay đổi bản thân, trong ngôn ngữ của Tin Mừng, là thành tâm sám hối. Ngôn sứ Giona được Chúa sai đến thành Ninivê để kêu gọi dân thành sám hối. Vào thời đó, thành phố này có tiếng là tội lỗi và hung bạo, đến nỗi khi ông Giona nghe thấy Chúa sai mình đến đó thì tìm cách chạy trốn vì sợ hãi. Nhưng lạ thay, khi nghe lời Gioan rao giảng, mọi người, từ vua cho tới dân đã ăn chay sám hối theo lệnh của vua. Nhờ lòng sám hối, dân thành đã không bị án phạt giáng xuống.
Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng lời kêu gọi sám hối. Lời kêu gọi này còn được lặp đi lặp lại nhiều lần, ở mọi nơi Người đặt chân tới. Sám hối là một phần quan trọng của giáo huấn Tin Mừng. Lời kêu gọi sám hối của Chúa Giêsu đi liền với lời mời gọi tin vào Tin Mừng Người rao giảng. Tin vào Tin Mừng là nhận biết Chúa Cha, đấng bao dung nhân hậu. Ngài luôn chờ đợi chúng ta trở về để đón nhận sự tha thứ. Tin Mừng kể lại có những người rất tội lỗi, nhưng đã mở lòng đón nhận giáo huấn của Chúa và được ơn thứ tha. Lịch sử Giáo Hội cũng làm chứng cho chúng ta, rất nhiều tội nhân đã sám hối và được nên thánh.
Sám hối là khiêm tốn nhìn nhận những sai sót lỗi lầm của mình, đồng thời hứa với Chúa sẽ thay đổi cuộc sống của mình nên tốt hơn. Một khi chúng ta thay đổi cuộc sống và thay đổi cách nhìn của mình đối với những người xung quanh, chúng ta sẽ nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác. Thay đổi cuộc sống sẽ giúp chúng ta thấy cuộc đời lạc quan  đáng yêu hơn, đồng thời thúc đẩy chúng ta đóng góp phần mình để nhân lên những điều thiện hảo trong cuộc sống. Giống như vị vua trong câu chuyện trên đây, khi ông bọc đôi chân bằng miếng da bò, thì đi đâu cũng thấy êm ái và sạch sẽ. Khi trong tâm trí chúng ta có những tâm tình tốt đẹp, chúng ta sẽ  khám phá những nét đẹp tiềm ẩn nơi mọi người mọi vật xung quanh.
Sám hối còn là đoạn tuyệt với quá khứ để khởi đầu một hành trình mới theo chân Đức Giêsu. Thánh Máccô kể với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay về việc Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Anrê và Simon, Giacôbê và Gioan là những người đã can đảm từ bỏ cuộc sống cũ để khởi đầu một hành trình mới. Tiếng gọi “Hãy theo tôi” có sức thuyết phục kỳ diệu, khiến các ông sẵn sàng từ bỏ những người thân yêu và nghề nghiệp bao năm gắn bó. Sau này, nhiều khi phải đối diện với những khó khăn, chống đối và thiếu thốn, nhưng các ông không hề hối tiếc vì sự lựa chọn này: “Thưa Thày, bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thày mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,67)
Cũng như một cỗ máy cần được bảo dưỡng luôn luôn, cũng như những cây nho cần được thường xuyên cắt tỉa, tâm hồn chúng ta phải được thanh tẩy mỗi ngày, để nhờ đó, chúng ta được biến đổi, nên giống Chúa hơn. Lời kêu gọi thay đổi cuộc đời luôn âm vang trong cuộc sống của người tín hữu chúng ta. Đây không phải là một khẩu hiệu, mà là một lời khuyên rất thiết thực, vì “thời gian chắng còn bao lâu”. Thánh Phaolô đã dùng cách nói rất cụ thể để nói với chúng ta hãy lựa chọn những điều tốt nhất và lâu bền cho mình, bởi vì bộ mặt thế gian này đang qua đi, nên “những ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả…”.
“Mỗi vị thánh đều có một quá khứ; mỗi tội nhân đều có một tương lai”.Đừng có ai mặc cảm về đời sống của mình mà không mạnh dạn thay đổi cuộc đời. Nếu mạnh dạn tiến bước, chúng ta chẳng còn là tội nhân, mà sẽ là những vị thánh, nhờ lòng bao dung thứ tha và ơn phù trợ của Thiên Chúa. “Tâm bình, thế giới bình”, cuộc đời này sẽ thay đổi, khởi đi từ sự thay đổi trong chính con người mỗi chúng ta.
Về mục lục
.
ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI
Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt
Nhiều lần đài phát thanh, truyền hình, trong mục nói về giáo dục trẻ em, giới thiệu chương trình hoạt động của anh Thảo Đàn ở thành phố Hồ chí Minh. Trước đây, Thảo Đàn là một trẻ của đường phố, bỏ nhà đi lang thang bụi đời, tệ hơn nữa, vướng vào nghiện hút. Nhưng khi hiểu được tác hại của ma tuý, anh quyết tâm cai nghiện. Với ý chí cương quyết, anh đã hoàn toàn dứt bỏ được ma tuý. Chừa được ma tuý rồi, anh không chỉ hài lòng với việc làm lại cuộc đời cho bản thân, nhưng còn muốn dùng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ các trẻ em đường phố. Với sự hỗ trợ của Nhà Nước và các tổ chức từ thiện, anh mở ra một trung tâm qui tụ 200 trẻ em đường phố. Tại đây, anh giáo dục cho các em hiểu biết những nguy hiểm đang rình rập các em, giúp các em bảo vệ quyền lợi của mình và nhất là tìm cách đưa các em hội nhập vào đời sống xã hội.
Điều mà Thảo Đàn đã làm cho bản thân mình và đang muốn làm cho các trẻ em đường phố, đó là đổi mới đời sống. Không biết anh có đạo hay không, nhưng anh đang thực hiện Lời Chúa trong các bài sách thánh hôm nay. Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Gio-na kêu gọi dân thành Ninivê đổi mới đời sống để được tha thứ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu kêu gọi dân Do thái đổi mới đời sống để đón nhận Nước Chúa đang đến. Đáp lại lời Người, các môn đệ bước theo Đức Giêsu trong một đời sống mới. Cuộc đổi mới được tiến hành qua ba bước.
Bước thứ nhất: Nhận biết mình tội lỗi.
Tội lỗi như một cơn mê làm ta đắm đuối không nhận biết tình trạng tâm hồn của mình. Muốn đổi mới, cần phải thức tỉnh, nhìn rõ sự thực về mình, thấy rõ tình trạng tội lỗi, hiểu biết sự nguy hại của tội. Thảo Đàn bừng tỉnh sau những lầm lỡ, nhận thức mình đang đứng bên bờ vực thẳm, nên đã kịp dừng chân. Dân thành Ninivê, sau khi nghe tiên tri Giona rao giảng, ý thức về tình trạng nguy ngập của thành, nên đã chấm dứt tình trạng tội lỗi. Để biết rõ tình trạng tâm hồn, để nhận biết tội lỗi, cần phải siêng năng xét mình. Xét mình giống như ngọn đèn pha soi vào tất cả những ngõ ngách trong tâm hồn, phơi bày ra tất cả những gì còn ẩn giấu. Xét mình giống như cái cuốc đào bới những tầng lớp sâu thẳm của tâm hồn để lộ ra những tội lỗi còn bị thời gian, sự quên lãng và sự vô tình vùi lấp.
Bước thứ hai: Sám hối.
Khi đã nhận biết tội lỗi, tâm hồn phải tiến tới một thái độ tích cực hơn, đó là sám hối. Nhận thức tội lỗi giống như ta nhìn thấy một căn nhà rác rưới bẩn thỉu. Sám hối là bắt tay vào quét dọn sạch sẽ. Sám hối như giòng nước gột rửa linh hồn. Sám hối như chiếc dao mổ của bác sĩ cắt bỏ những ung nhọt gieo mầm mống bệnh tật. Sám hối càng mãnh liệt, tội lỗi càng lùi xa. Sám hối càng sâu xa, linh hồn càng mau chóng hồi sinh. Nhờ sám hối sâu xa, Thảo Đàn đã từ bỏ con đường nghiện ngập. Nhờ sám hối mãnh liệt, dân thành Ninivê đã bảo nhau, từ người già đến em bé đều xức tro, ăn chay cầu nguyện, quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi. Tâm hồn sám hối là tâm hồn được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận ơn Chúa.
Bước thứ ba: Đổi mới cuộc đời.
Sám hối chân thành bao giờ cũng đi đến đổi mới cuộc đời. Vì sám hối là muốn đoạn tuyệt với con đường xưa cũ để bước vào một con đường mới. Vì tâm hồn sám hối không những muốn sửa chữa lại những lỗi lầm quá khứ mà còn quyết tâm xây dựng một tương lai tươi mới,trong sạch hơn, tốt đẹp hơn, ích lợi hơn. Vì muốn hoàn toàn đổi mới, Thảo Đàn không chỉ tránh xa nhưng còn dấn thân giúp người khác đâú tranh chống tệ nạn xã hội. Vì muốn đổi mới cuộc đời, các tông đồ đã từ bỏ nếp sống cũ, từ giã những người thân, bỏ hết tài sản để lên đường đi theo Chúa. Con đường mới là con đường theo thánh ý Chúa, con đường dẫn ta đi trong tình yêu mến Chúa và yêu mến anh em. Tình yêu mến sẽ làm cho đời sống ta có ý nghĩa và trở nên phong phú vì sẽ đem lại những hoa quả thiêng liêng. Bước đi trên con đường mới, ta sẽ đón nhận được Nước Chúa đang đến. Bước đi trên con đường mới, ta sẽ góp phần đem Nước Chúa đến với anh em.
Đầu năm mới, ai cũng có ước mong mọi sự mới mẻ. Không gì đẹp hơn một tâm hồn đổi mới. Để đổi mới tâm hồn, ta hãy nhận biết tội lỗi và ăn năn sám hối. Với ơn Chúa giúp và với quyết tâm đổi mới, ta sẽ nhìn thấy những việc cần phải làm. Với những việc làm do Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ta sẽ thực sự bước vào Năm Mới với cả tâm hồn đã được đổi mới.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới mọi sự trong ngoài của chúng con.
GỢI Ý CHIA SẺ
1/ Đức Thánh Cha viết cho giới trẻ: “Quả thật, Đức Giê su là người bạn khó tính nhất. Người chỉ cho ta những đỉnh cao và đòi ta phải ra khỏi chính mình để gặp Người.” Hiện nay, Đức Giê su đang mời bạn chinh phục những đỉnh cao nào?
2/ Để đổi mới cuộc đời, bạn phải từ bỏ nhiều điều. Nhưng quan trọng hơn cả là từ bỏ chính mình. Bạn có kinh nghiệm gì về cái tôi của bạn. Cái tôi ấy ra sao (cứng cỏi, bướng bỉnh, khép kín, tự ái, tự mãn…..).
3/ Chừa bỏ tật xấu có dễ không? Ta nên có thái độ nào đối với người nghiện hút, rượu chè?
Về mục lục
.
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN_B
 Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse
Ông bà anh chị em thân mến. Tôi xin được chia sẻ với ông bà anh chị em về một số linh mục cùng lớp của tôi trong đại chủng viện thánh Meinrad. Trước hết là anh Vince 33 tuổi. Trước khi vào đại chủng viện, anh đã theo học và ra trường đại học Pittsburgh, sau đó anh là giáo viên dạy học và tình nguyện giúp hội thể thao trung học và đại học. Đến anh Mike 32 tuổi. Anh ra trường đại học Hardvard, sau đó trở thành một luật sư và tình nguyện làm việc cho một trung tâm người vô gia cư tại Baltimore. Tiếp đến là anh George 28 tuổi theo học đại học Syracure, và đã đi làm 5 năm là một người điều khiển hàng không, và tình nguyện giúp nhóm tình nguyện dòng Tên. Sau đó là anh John ra trường đại học California và làm việc cho hãng Texas Instruments trong công việc của một kỹ sư, và tình nguyện giúp các nhóm trẻ trong vùng. Sau cùng là anh David 30 tuổi trở lại đạo Công giáo từ giáo phái Tin lành Baptist. Cha của anh là một mục sư. Anh ra trường đại học Alabama và đã phục vụ trong ngành Hải quân 5 năm, và sau đó trở thành một physical therapist, người tập cử động thân thể và tình nguyện giúp những người già trong các nhà dưỡng lão.
Ông bà anh chị em thân mến. Đây chỉ là 5 người trong số trăm ngàn người nam nữ bình thường trên thế giới mà Thiên Chúa kêu gọi phục vụ trong đời sống linh mục và tu sĩ ngày nay như Ngài đã kêu gọi Giôna trong thời Cựu ước, và An-rê, Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê trong thời Tân ước.
Chúng ta nghe câu chuyện Chúa gọi ngôn sứ Giôna đi rao giảng lời Chúa cho dân thành Ni-ni-vê nhiều lần. Thiên Chúa sai ông Giôna đi kêu gọi mọi người trong thành phố Ni-ni-vê ăn năn thống hối tội lỗi của họ. Thành phố Ni-ni-vê là thủ đô của dân ngoại đạo As-si-ri-a, kẻ thù của dân Do thái. Khi được Chúa kêu mời, Giôna đã thành thật thưa với Chúa “Lạy Chúa, con à, sao Chúa lại kêu con.” Giôna biết mình không có khả năng học hành, không có tài hùng biện, thuyết phục hay giảng dạy. Ông sợ sẽ bị cười chê, nhạo báng, và hơn hết, ông sợ cho tính mạng của mình trong tay quân thù. Vì vậy, Giôna đã xuống thuyền trốn đi, nhưng Thiên Chúa đã cho bão tố nổi lên, những người trên thuyền biết ông chạy trốn Thiên Chúa, sợ bị vạ lây, nên họ đã quăng ông xuống biển và bị cá ông nuốt vào bụng 3 ngày, sau đó, đã nhả ông vào một hoang địa. Bài đọc một hôm nay tiếp tục câu chuyện trên. Giôna biết không thể nào từ khước, trốn chạy trước lời Chúa kêu gọi, nhận biết mình yếu kém, nên đã khiêm nhường vâng lời. Thật là một điều kinh ngạc, lạ lùng và khó tưởng tượng trước thái độ tin nhận, và hành động ăn năn, thống hối của dân chúng khi nghe lời giảng dạy của ông.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi những người yếu kém khác cộng tác với Ngài trong sứ mệnh rao giảng ơn cứu độ của Thiên Chúa Cha, và xây dựng Nước Chúa trần gian. Nếu Chúa Giêsu muốn thực hiện những công việc to lớn và quan trọng này trong vòng 36 tháng hay 3 năm, thì chúng ta nghĩ Chúa Giêsu phải chọn những người có danh vọng, tài giỏi, học thức và có uy tín, hay tìm những người có tài hùng biện, hoặc một người có khả năng lãnh đạo giỏi. Nhưng Chúa không làm như vậy. Chúa bắt đầu bằng 4 người đánh cá không có, hoặc chỉ có một chút học thức giới hạn. Sau đó, Chúa càng làm cho chúng ta sững sờ, chọn thêm 8 người khác, nếu theo cái nhìn, theo tiêu chuẩn của chúng ta, thì họ chẳng giống ai, có nghĩa là, họ không có tài năng gì xuất sắc về lãnh đạo hay không có danh vọng gì để lôi cuốn, thuyết phục người khác.
Thật vậy, chúng ta không xa lạ gì với xuất xứ và nguồn gốc của các tông đồ. Phần đông họ là nông dân và ngư dân, làm nghề đánh cá. Của cải tiền bạc không có nhiều, vốn liếng học vấn chẳng bao nhiêu, địa vị và danh vọng trong xã hội thì cũng không có. Họ được chọn từ đám đông quần chúng, giai cấp của những người lao động chân tay, không được mấy ai kính nể, coi trọng. Nếu nhìn kỹ vào từng con người của các tông đồ, chúng ta thấy họ cũng không thiếu gì các đam mê, tật xấu, nóng nẩy, ích kỷ, tham lam, ghen ghét. Có thể nói đây là nhóm tiêu biểu cho những người thấp kém trong xã hội. Nhiều khi chúng ta thắc mắc tại sao Chúa lại mời gọi những người này? Không biết Chúa có biết, có hiểu và thấy rõ con người của họ không? Chúa thấy và thấy rất rõ, nhưng Người vẫn chọn họ, vì sao? Vì tiêu chuẩn, đường lối của Thiên Chúa thì khác với đường lối và tiêu chuẩn của con người chúng ta. Chúng ta phải lưu ý điểm tối quan trọng này là: điều Thiên Chúa cần ở họ, không phải là quá khứ hay những gì họ đang có, nhưng là những người họ sẽ trở thành và những gì họ sẽ có. Họ kém cỏi và nhiều khuyết điểm thật, nhưng với ơn sủng và sự giáo huấn của Chúa, họ sẽ biến đổi và có khả năng thực hiện và chu toàn được sứ mệnh, công việc của Chúa trao phó.
Ông bà anh chị em thân mến. Câu chuyện ông Giôna và các tông đồ là một sự kích lệ cho chúng ta, những người bình thường trong xã hội, yếu kém và đầy khuyết điểm. Ngày nay Thiên Chúa tiếp tục kêu gọi tất cả mọi người, không phân biệt nam nữ, già trẻ, và trao ban cho chúng ta sứ mệnh rao giảng Tin mừng và xây dựng Nước Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thi hành và chu toàn sứ mệnh này theo đời sống của mỗi người khác nhau. Nếu là bậc cha mẹ có bao giờ quí vị chia sẻ hay dạy bảo con cái cầu nguyện để được hướng dẫn khi chọn nghề nghiệp, công việc tương lai không? Có bao giờ quí vị cầu nguyện với Chúa và cố gắng hết sức tạo điều kiện, hay làm một việc gì cụ thể, hay làm gương sáng và giúp cho một đứa cháu, đưa con được Chúa gọi phục vụ Chúa trong đời sống linh mục hay tu sĩ không? Nếu các bạn là thanh thiên nam nữ độc thân, quí bạn có bao giờ cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn để chọn đúng nghề nghiệp, công việc và hướng đi cho tương lai của mình không? Hay có bao giờ chúng ta cầu nguyện với Chúa, xin Chúa chỉ bảo chúng ta phải làm gì để cộng tác với Chúa trong sứ mệnh rao giảng Tin mừng không? Chúng ta có cầu nguyện xin Chúa chỉ bảo để biết hy sinh phục vụ Chúa trong những công việc mục vụ trong giáo xứ hay trong giáo hội không? Có bao giờ chúng ta cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta tình nguyện làm một công việc gì hữu ích cho tha nhân không? Hay chúng ta chỉ ích kỷ xin Chúa ban cho chúng ta ơn nọ ơn kia. Hy sinh tình nguyện phục vụ, chúng ta sẽ nhận ra lời kêu gọi, nhận ra ân sủng của Chúa, để cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta khả năng, và cảm nhận được ý nghĩa, giá trị cuộc sống của mình.
Thiên Chúa tiếp tục kêu gọi mọi người không phân biệt nam nữ, già trẻ ngày nay như Ngài đã kêu gọi những môn đệ ngày xưa. Xin Chúa ban cho chúng ta một tâm hồn rộng mở để lắng nghe lời kêu gọi của Chúa, và có tấm lòng hy sinh, nhiệt thành, vui mừng và can đảm trở thành những cánh tay nối dài của Chúa trong công cuộc loan báo Tin mừng và xây dựng Nước Chúa. Thiên Chúa không chú ý đến quá khứ và không cần những gì chúng ta đang có. Chúa cần tấm long chân thành của chúng ta, và Chúa sẽ dùng ân sủng của Chúa biến đổi những gì chúng ta đang có, để chúng ta thực hiện thánh ý của Chúa và chu toàn sứ mệnh của Ngài.
Về mục lục
.
CON NGƯỜI MỚI CỦA NƯỚC TRỜI
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Vào những ngày cuối năm, cho dù bận rộn với việc làm ăn buôn bán, tổng kết công việc, nhưng không ai trong chúng ta quên được một việc hết sức quan trọng để đón năm mới, đó là dọn dẹp, chỉnh trang nhà cửa và mua sắm những bộ quần áo mới. Ai cũng mong đợi một năm mới sẽ đem đến nhiều điều mới mẻ từ nhà cửa, cảnh vật đến con người đều tốt đẹp hơn năm cũ. Họ hy vọng rằng với sự mới mẻ đó, mọi người sẽ bắt đầu một năm mới, một công việc mới với một tinh thần mới và một kết quả mới hơn.
Nhưng có một thực tế, nhiều người chỉ lo quét dọn, trang hoàng nhà cửa bên ngoài mà không có một thay đổi nào trong suy nghĩ, trong cách sống. Vì thế những ngày tết qua đi, mọi sự lại trở về như cũ. Người ta nói rằng : Thế giới này chỉ thay đổi khi chính mỗi người chịu thay đổi. Thế nên, nếu mỗi người không chấp nhận thay đổi thì cuộc sống và thế giới này sẽ mãi chẳng đổi thay nên tốt hơn được.
 Thưa quý OBACE, hôm nay Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã bắt đầu cuộc sống công khai sau khi Gioan Tiền hô bị nộp. Sứ mạng của Gioan đã kết thúc, thời của Gioan cũng đã chấm dứt để bắt đầu một thời mới. Thời đại mới này là thời đại của Đấng Mesia cứu thế là Đức Giêsu. Ngài đến để khai mở một thời đại mới mà Ngài gọi đó là Nước Trời. Thời đại này là thời đại của lòng Chúa xót thương, thời đại của Tin Mừng cứu độ mà Đức Giêsu là Đấng rao giảng và chính Ngài là Tin Mừng cứu độ cho cả nhân loại. Tin Mừng này là tin vui cho nhân loại vì chính Thiên Chúa đã  đến với con người, để giải thoát con người khỏi nô lệ của tội lỗi và sự chết, đem lại cho con người một thời kỳ mới, một cuộc sống mới. Tin vào Tin Mừng là tin vào chính con người của Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ.
Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cứu độ từ ngàn xưa. Ngài thiết lập triều đại của Thiên Chúa trên thế gian này. Triều đại của Thiên Chúa là Nước Trời mà Chúa Giêsu loan báo không chỉ là hạnh phúc trong thế giới mai sau, nhưng đã được khởi đầu ngay hôm nay, trong cuộc sống này cho những ai tin và đón nhận Ngài.
Để có thể đón nhận và sống trong Triều đại mới, đòi mỗi người phải sám hối, phải thay đổi cuộc sống từ suy nghĩ đến hành động cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng. Sám hối không chỉ là việc dành cho những kẻ có tội, mà là lời mời gọi được gửi đến hết mọi người. Sám hối không chỉ là hối hận về những tội lỗi của mình, mà còn phải là một quyết tâm thay đổi nếp sống cho tốt hơn, đẹp hơn, xứng đáng hơn.
Thánh Marcô cho thấy đã có những chàng trai đầu tiên đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu một cách nhanh chóng và vô điều kiện. Họ là những ngư phủ đang chài lưới để kiếm sống. Vậy mà khi Chúa Giêsu đi ngang qua, chỉ với một lời mời gọi : Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức các ông bỏ chài lưới mà theo Người. Có lẽ các chàng trai này cũng đã ít nhiều nghe nói về thầy Giêsu vừa mới xuất hiện. Ngài rao giảng một giáo lý hoàn toàn mới mẻ. Ngài dạy một nếp sông mới hoàn toàn khác với nếp sống cũ. Nay có cơ hội gặp Ngài, lại được Ngài mở lời mời : Hãy theo Ta. Các Chàng trai đã chấp nhận một sự thay đổi hoàn toàn, không chỉ bỏ lưới bỏ thuyền, bỏ cha mẹ để theo Chúa Giêsu, mà còn chấp nhận thay đổi hẳn nếp sống, không còn lênh đênh trên biển nữa ; trái lại, các ông đã trở thành những học trò, những mộn đệ đi theo Chúa Giêsu.
Các môn đệ đã bỏ chài lưới mà theo Người. Bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu đó cũng chính là sám hối để bước vào triều đại mới. Vì sống trong thời đại của ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến không gì khác hơn là dám chấp nhận bỏ lại quá khứ, bỏ lại nếp sống cũ để bước vào một nếp sống mới, là đi theo Chúa Giêsu, tuân giữ giới răn, lề luật của Người. Vì triều đại mới của Thiên Chúa cũng đồng thời đòi phải có những con người mới.
Thực tế, nhiều người tự cho mình không cần phải sám hối, không cần phải thay đổi. Thiên Chúa mong đợi nơi con người không phải là việc khóc lóc bên ngoài, mà là một thái độ khiêm nhường nhận mình nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và cần đến lòng xót thương của Thiên Chúa. Ngày xưa, khi được Chúa sai đến với dân Ninivê, ông Giôna nghĩ rằng dân Ninivê không thể sám hối và không đáng được hưởng lòng thương xót, nên ông đã từ chối đến với họ. Thế nhưng, khi ông mới mất một ngày kêu gọi mọi người sám hối, thì từ vua đến dân, từ con người đến súc vật đều sám hối. Họ từ bỏ lối sống giàu sang hưởng thụ, từ bỏ những hào nhoáng bên ngoài để mặc áo nhặm, rắc tro trên đầu bày tỏ lòng sám hối, từ bỏ lối sống gian ác để sống đời sống mới. Thiên Chúa đã nhìn thấy sự sám hối chân thành của họ, Ngài đã nguôi giận và không trừng phạt dân Ninivê nữa. Như thế, việc sám hối thành tâm có thể làm “mủi lòng” Thiên Chúa.
Một khi tin Đức Giêsu và đón nhận Tin Mừng của Ngài, chúng ta phải thay đổi lối sống. Thánh Phaolô trong bài đọc hai đã chỉ cho chúng ta một cách sống thích hợp hơn. Đó là sống siêu thoát, không để mình bị lệ thuộc vào thế gian và vật chất. Vì bộ mặt thế gian này đang qua đi : Vì thế, những người có vợ hãy sống như không có vợ ; ai khóc lóc hãy làm như không khóc ; ai mua sắm hãy làm như không có gì cả ; kẻ hưởng dùng của cải đời này hãy làm như không hưởng dùng. Dạy như thế, Thánh Phaolô cho thấy rằng dục vọng, thế gian, vật chất và lối sống hưởng thụ có một sức hút rất mạnh như dòng nước xoáy, nó có thể nhấn chìm tất cả những ai rơi vào vòng xoáy của nó. Vì vậy, trong khi sống và hưởng dùng những của thế gian, cần phải biết sống cho thanh thoát, chừng mực, không để mình bị lệ thuộc hay bị trói buộc bởi dục vọng, của cải và thế gian.
Thưa quý OBACE, lời mời gọi sám hối, thay đổi lối sống là lời mời gọi liên tục của Tin Mừng. Vì sám hối không phải là việc làm một lần trong năm, mà phải là thái độ và hành động kéo dài liên tục mỗi ngày trong suốt cuộc đời. Với mục đích của sám hối là canh tâm đổi mới, thì việc sám hối không dừng lại ở việc tránh tội hoặc hối hận vì tội, mà còn là lời mời gọi mỗi người phải tích cực làm mới cuộc đời mình mỗi ngày, chấp nhận thay đổi, từ bỏ những thói quen và nếp sống cũ để bắt đầu một nếp sống mới tốt hơn.
Hãy làm mới lại tương quan của chúng ta với Chúa. Một khi tin Chúa, được làm con Chúa, chúng ta cần phải sống cho trọn đạo làm con, tức là phải sống thảo hiếu với Chúa bằng việc lắng nghe và chu toàn những gì Chúa truyền dạy. Hãy khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối, bất toàn của mình để đến xin Chúa nâng đỡ và ban ơn trợ giúp để chúng ta sống tốt hơn mỗi ngày. Hãy đến với Bí tích giải tội để cảm nhận được tình yêu thương tha thứ của Chúa, một Thiên Chúa là Cha và đến với Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày để đón nhận sự đỡ nâng và sức sống từ Chúa thông ban cho chúng ta.
Tin vào Tin Mừng là tin vào chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ và là Đấng quyền năng. Tin là dám phó thác cuộc đời, gia đình và mọi lo toan cuộc sống trong tay Chúa. Tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa thì không thể để mình theo lối sống của dân ngoại, không thể thực hành lối sống mê tin mù quáng, nhưng biết tin tưởng phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa dù thành công hay thất bại, dù khi vui hay lúc buồn.
Là công dân mới của Nước Trời, của Tin Mừng, mỗi chúng ta phải là chứng nhân cho niềm vui, niềm tin và hy vọng trong xã hội hôm nay. Hãy canh tân đổi mới lại bầu khí của gia đình, hãy làm cho gia đình thực sự êm ấm, vui tươi và hạnh phúc. Hãy loại bỏ những thói quen cũ không thích hợp của gia đình để lập nên một thói qen mới tốt hơn. Hãy tập cho mỗi thành viên có thói quen phó dâng chính mình và công việc cho Chúa mỗi khi bắt đầu ngày mới; và khi chiều về, hãy tập thói quen cùng nhau xum họp, dâng lời kinh tạ ơn Thiên Chúa trước khi kết thúc mỗi ngày. Hãy loại bỏ những thói quen có hại cho gia đình như sự lười biếng, rượu chè, cờ bạc, cãi vã khiến cho các thành viên trong gia đình không thể gần nhau được và tập những thói quen mới như trò chuyện, vui đùa, cùng ăn chung bữa cơm tối xum vầy.
Triều đại mà Chúa Giêsu khai mở đòi phải có những con người mới, với nhiệt tâm mới. Các bạn trẻ hãy noi theo tấm gương của các chàng trai trong Tin Mừng hôm nay. Hãy can đảm đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, chấp nhận thay đổi nếp sống cũ để bắt đầu một cuộc sống mới. Hãy mạnh dạn bỏ lại đàng sau những lôi kéo, hứa hẹn của thế gian để dám sống theo Tin Mừng của Chúa Giêsu và bước theo Ngài. Hãy bỏ đi những danh vọng hão huyền, nhưng miếng mồi vật chất, những lối sống đẳng cấp mà thế gian đang bày như một tiêu chuẩn cho các bạn để dám sống như Chúa mời gọi và sống cùng với Chúa Giêsu, đi theo Ngài, trở nên những môn đệ tốt của Chúa.
Xin Chúa giúp mỗi chúng ta luôn biết nhìn lại và canh tân chỉnh sửa bản thân và gia đình mỗi ngày, biết tô điểm cho cuộc đời và gia đình bằng những nếp sống và những việc làm tốt theo lời mời gọi của Chúa để mỗi chúng ta có thể được nếm hưởng Nước Trời ngay hôm nay và mai sau. Amen.
Về mục lục
.
SỨ MẠNG CỦA TÔI
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Trong một khu vườn, những cây Hướng Dương hoa vàng rực rỡ đang vươn mình ra đón ánh nắng mặt trời, tận hưởng niềm vui cuộc sống. Chợt, Hướng Dương nghe tiếng thút thít dưới chân. À, hình như bạn Nha Đam đang khóc. Hướng Dương nhẹ nhàng hỏi:
 – Hình như bạn có điều gì phiền muộn?
Nha Đam bối rối đáp:
– À, không có gì đâu.
– Rõ ràng, tôi nghe tiếng bạn khóc mà. Có điều gì thế, bạn kể cho tôi nghe đi, mình là bạn bè, là hàng xóm của nhau, có gì thì cùng nhau chia sẻ.
Nha Đam tấm tức:
– Tôi buồn lắm bạn ạ. Trời không thương nên cho tôi sinh ra với thân hình xấu xí. Đã thấp lè tè, lá lại kỳ quặc chẳng giống ai. Bạn thấy đấy, trong vườn này, muôn hoa đua sắc, còn tôi có cố gắng mấy cũng không thể mọc được cái hoa nào!
Hướng Dương nhẹ nhàng bảo:
– Bạn Nha Đam à, bạn đừng buồn như thế. Mỗi loài cây đều có sứ mệnh riêng. Tuy bạn không đẹp rạng rỡ như chúng tôi để tô điểm hương sắc cho đời, nhưng bạn cũng rất có ích đấy.
– Có ích à? Thôi bạn đừng an ủi, tôi mà có ích gì đâu.
– Có đấy, bạn giúp được cho con người trị được rất nhiều thứ bệnh. Chẳng lẽ những điều đó không đáng để cho bạn tự hào sao?
Nha Đam nghe vậy, ngập ngừng nói:
– Nhưng tôi lại thấp bé, xấu xí, trong khu vườn này tôi đã bị chìm khuất, có ai biết đến tôi đâu.
– Không sao đâu! Tuy bạn không nổi bật nhưng con người vẫn biết đến bạn đấy, giá trị của chúng ta không phải ở chỗ cao – thấp, đẹp – xấu mà ở chỗ chúng ta giúp ích gì cho cuộc đời này. Bạn hãy vui vẻ lên, sống khỏe mạnh, đừng tự ti, mặc cảm, rồi sẽ có ngày bạn được biết đến, hãy tin tôi!
Sưu tầm
Hóa ra ở đời người ta đâu quan trọng cái đẹp bên ngoài. Sống có ích cho đời mới là quan trọng. Sống có ích cũng là một sứ mạng của vạn vật. Sống chu toàn sứ mạng của mình càng làm cho giá trị của mình được tăng thêm.
Thực vậy, mỗi tạo vật đều  được Chúa trao cho một sứ mạng. Từ con người cho đến vạn vật, mỗi loài đều có sứ mạng riêng.
Mặt trời có sứ mạng tỏa sáng và sưởi ấm các sinh vật trên  mặt  đất. Cây lúa có sứ mạng nuôi sống con người. Muôn loài hoa có sứ mạng tô điểm cho vạn vật, và dường như mọi loại đều cố gắng thi hành tốt sứ mạng của mình. Ánh mặt trời luôn tỏ rạng để mang lại sự sống cho con người. Cây lúa luôn trổ bông trĩu hạt. Muôn loài hòa luôn xinh tươi lộng lẫy đem lại hạnh phúc cho con người.
 Chúa Giêsu khi xuống thế làm người cũng phải hoàn thành tốt sứ mạng Chúa Cha trao phó. Ngài đến trần gian vì vâng phục Chúa Cha. Ngài thi hành sứ mạng cứu rỗi nhân gian qua cái chết khổ hình và sống lại vinh quang. Ngài đã được rước lên trời sau khi thi hành tốt sứ mạng rao giảng Tin Mừng và cứu độ trần gian.
 Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su kêu gọi các tông đồ cùng chia sẻ sứ mạng với Ngài. Những tông đồ đầu tiên là Simon, An-rê, Gia-cô-bê, Gioan đã nhanh chóng bỏ lại việc riêng để làm việc cho Chúa. Các ngài đã bước đi theo Chúa với niềm hăng say loan tin mừng Nước Trời đến cho anh em của mình. Các ngài vui vì được Chúa chọn gọi. Các ngài hạnh phúc vì được cộng tác với Chúa trong sứ mạng cứu độ trần gian. Điều đó đã giúp các ngài bỏ lại tất cả danh lợi thú trần gian để chỉ phụng sự cho chương trình của Thiên Chúa.
Con người chúng ta sinh ra đều có một sứ mạng. Cây cỏ còn có sứ mạng huống chi con người ? Mỗi loài đều có một giá trị hay nói cách khác là đều có một sứ mạng của mình. Vậy sứ mạng của tôi là gì ? Tôi phải làm gì cho bản thân, cho gia đình, cho Giáo hội và xã hội ?
Điều mà Chúa muốn nơi những người tin theo Chúa là hãy rao giảng Tin mừng cho anh em. Hãy làm chứng về Nước Trời. Hãy tôn vinh Chúa và làm sáng danh Chúa trong cuộc đời của mình. Chúa muốn chúng ta là muối men cho đời. Chúa muốn chúng ta phải ướp mặn trần gian bằng đời sống yêu thương và phục vụ. Chúa muốn chúng ta phải thẩm thấu vào thế gian lời Chúa để men lời Chúa canh tân bộ mặt trái đất.
Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu mỗi người ky-tô hữu luôn là muối ướp mặn cho đời bằng hy sinh, bằng phục vụ, bằng bác ái và vị tha.
Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu mỗi người ky-tô hữu luôn là ánh sáng cho mọi người khi biết sống theo tin mừng, biết vì Chúa mà sống tốt sứ mạng của mình là canh tân bộ mặt trái đất.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết chu toàn sứ mạng của đời ky-tô hữu là giới thiệu Chúa cho tha nhân. Giới thiệu không bằng lời nói mà bằng đời sống bác ái yêu thương và thờ phượng Chúa trên hết mọi sự. Amen.
Về mục lục
.
NƯỚC THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN
PM. Cao Huy Hoàng
Con người mở mắt vươn vai chào một ngày mới, chào ánh mặt trời rực rỡ vừa lên, thoắt đã tiễn ngày đi để nhận lấy bóng tà huy buồn bã, thoắt đã nhắm mắt lại với bóng đêm tăm tối mịt mùng. Một ngày sống đã qua đi. Rồi từng ngày qua đi. Cuộc sống cứ như vẫn nhịp đều theo dấu chân của mặt trời đếm bước.
Hình như ở tuổi hồn nhiên, hoặc chưa có khái niệm về thời gian, hoặc khái niệm thời gian chưa đủ làm cho con người bồi hồi xao xuyến. Nhưng khi hơi có tí tuổi, cùng với tình trạng rệu rã trong thân xác, nếm đủ mùi thất bại, trải bao nỗi bi thương, thì ai cũng có thể nhận ra bóng xế, bóng chiều của cuộc đời đang xuất hiện, bóng đêm cuộc đời đang ập đến, và cỗ xe vĩnh cửu đang chờ ngay trước cửa.
Lời Chúa hôm nay không có ý mời gọi chúng ta ngộ ra quỹ thời gian của mình còn quá ít ỏi, và hãy vội vàng nhìn lại ý nghĩa của cuộc sống chóng vánh này. Nhưng, tích cực hơn, Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta rằng Nước Thiên Chúa đã đến: Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã đến. Ngài khai mở một ý nghĩa mới cho cuộc đời trần gian chóng vánh này là: sống để được sống muôn đời. Muốn được như thế, Ngài kêu gọi: “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến” (Mc 1,14)
“Hãy ăn năn, sám hối”, lời mời gọi này như một điệp khúc trong đời bạn, trong đời tôi. Chúng ta đã nghe biết bao lần, lặp đi lặp lại biết bao lần, nhưng tiếc là chúng ta vẫn chưa ăn năn sám hối, hoặc nếu có, thì cũng chỉ là mới dừng lại ở bước biết mình đang sống trong tình trạng xấu, mà chưa có có một quyết tâm làm lại cuộc đời.
Đã có nhiều người có phút nhìn lại mình để tự kiểm và tiến thân nên hoàn hảo hơn, nên tốt hơn.
Nhưng cũng có những phút nhìn lại rất kỳ quặc: đó là bước tự kiểm, tự phê của người không tin Chúa, không tin Trời, không tin có đời sau. Tự kiểm, tự phê để đổi mới sao cho kiêu căng hơn, gian tà hơn, ác độc hơn, phạm các tội tày trời cách tinh vi hơn tưởng như mắt trời không nhìn thấy. Hoặc, không tin có trời thì cứ yên tâm mà phạm tội: mắt trời đâu mà nhìn thấy. Cứ thế, người ta tiến dần đến chỗ sống cách sống của ác quỷ.
Ai dám hy vọng là ác quỷ sẽ có lòng sám hối. Lẽ nào chúng ta lại muốn làm ác quỷ để không biết thế nào là sám hối, không biết thế nào là làm lại cuộc đời cho đúng với nhân vị xinh đẹp đáng quí của mình.
Ai cũng yêu sự sống mình, nhưng đã có thời gian chúng ta không biết thế nào là yêu cho phải, cho đúng. Và cứ thế, chúng ta đã kéo dài những ngày đời vô nghĩa biết bao. Có người đã yêu mình bằng cách tự làm nhục đời mình, tự thiêu hủy đời mình, tự chuốc vào mình những liều thuốc cực độc, đó là: kiêu căng, ích kỷ, gian tà, dâm ô, tham lam, thù hận… Trong số đó, liều thuốc kiêu căng vẫn luôn là độc dược số một. Kiêu căng là phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, hoặc vẫn tin có Thiên Chúa, nhưng yêu cầu Thiên Chúa phải thực hiện theo ý mình vì mình là ông kia bà nọ, vì mình có trí khôn, có học vị, có danh giá, có tiền bạc, có quyền thế…
Lời Chúa hôm nay nói rằng: “Thời giờ đã mãn” nghĩa là đã đến lúc không chỉ nhận ra mình đang dùng những liều thuốc cực độc, mà còn phải khẩn cấp tránh cho xa, phải khẩn cấp từ bỏ cho tuyệt gốc, và nhất là cần phải sử dụng loại thuốc mới bổ dưỡng cho tâm linh, bảo đảm cho thân xác một cuộc sống và sống lại, sống muôn đời: đó chính là “Tin vào Lời Chúa”, “Tin vào Đức Giêsu Kitô”.
Thời gian chóng vánh, ít ỏi, sẽ không còn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng cho những ai đã có lòng “sám hối và Tin vào Chúa Giêsu”. Hai việc “sám hối và tin vào Chúa Giêsu” luôn đi đôi với nhau, không thể thiếu một trong hai. Vì nếu sám hối mà không tin vào Chúa Giêsu, thì hãy coi chừng đó là cách sám hối của ma quỷ. Nếu tin vào Chúa Giêsu mà không sám hối thì lòng tin ấy gian trá điêu ngoa, trá hình, lừa bịp Thiên Chúa.
Câu chuyện Cựu Ước mà sách Giona kể về dân thành Ninivê hôm nay, gợi cho chúng ta một ý nghĩa tích cực về lòng sám hối và tin tưởng. Được thông báo: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ”, dân thành Ninivê tin tưởng nơi Chúa,  họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.. Họ không chỉ “ăn chay và mặc áo nhặm”, nhưng họ đã thực hiện điều cốt lõi của việc ăn năn sám hối là “bỏ đời sống xấu xa”. Vì thế, sự sám hối toàn bích của họ đã làm thay đổi ý định của Thiên Chúa: “Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó”.(x Gn 3, 1-5. 10)
 “Sám hối và tin vào Chúa Giêsu” còn là điều kiện tiên quyết và ắt có để được Chúa Giêsu biến đổi nên người có ích cho công cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thực, Chúa không nói với Simon và Anrê rằng “các ngươi là những kẻ chài lưới người” nhưng Ngài nói “Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Trong quá trình “làm cho trở thành”, hẳn nhiên người môn đệ Chúa hẳn phải là những người trước tiên “sám hối và tin vào Chúa Giêsu”.
Không thể có một người tự xưng là môn đệ Chúa, là tông đồ cho Chúa, nếu người ấy không tuyên bố sám hối: “từ bỏ ma quỷ và các việc của ma quỷ”, tuyên tín vào “Chúa Giêsu Kitô” và tháp nhập vào Chúa Kitô qua bí tích rửa tội. Thế thì, mỗi tín hữu chúng ta đã và đang được Chúa Giêsu “làm cho trở thành những kẻ chài lưới người”. Đó một hồng ân cao quí dành cho tất cả những ai sống với sứ mạng Kitô hữu tông đồ: sống trước cuộc sống của Nước Thiên Chúa ngay khi còn ở trần gian, như Thánh Phaolô đã mô tả: “Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi” (1 Cr 7, 29-31)
Nguyện xin Lời Chúa giúp chúng con liên lỉ “ăn năn sám hối và tin vào Chúa Giêsu”, quyết tâm từ bỏ ma quỷ và các việc gian tà của chúng, để chúng con được Chúa “làm cho trở thành” những nhân chứng sống động cho Tin Mừng, cho Tình Yêu Chúa giữa dòng đời. Amen.
Về mục lục
.
NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Có một thầy ẩn tu tên là Xê-bat-chiêng thường đến cầu nguyện tại một nhà nguyện vắng vẻ trên núi. Trong nhà nguyện này dân chúng tôn kính một tượng Thánh Giá với tước hiệu là “Tượng Chúa ban ơn”
Thấy dân chúng có lòng tin thường đến cầu xin ơn lành, thầy Xê-bat-chiêng cũng thêm lòng tin cậy.
Một hôm vắng người, thầy quỳ gối trước Thánh Giá và chân thành khấn nguyện: “Lạy Chúa, con ước ao được chia sẻ đau khổ với Chúa, xin cho con được thế chỗ Chúa trên thánh giá”.
Thầy quỳ yên lặng, mắt đăm đăm nhìn lên Thánh Giá mong đáp lời. Một lúc sau, từ Thánh Giá có tiếng phán bảo: “Được, Ta bằng lòng để con thế chỗ Ta trên Thánh Giá nhưng với một điều kiện duy nhất là bất cứ điều gì xảy ra, tai con nghe gì, mắt con thấy gì, con đều phải giữ im lặng không được nói năng gì hết”. Xê-bat-chiêng hứa và được Chúa Giêsu cho lên thế chỗ Ngài trên Thánh Giá.
Ngày qua ngày, dân chúng vẫn đến trước tượng Thánh Giá để cầu nguyện. Không ai hay biết về việc đổi chỗ này.
Một hôm, có người xứ nọ đến cầu nguyện. Khi ra về, ông để quên dưới ghế quỳ cái túi đầy những đồng tiền vàng. Thấy vậy thầy vẫn yên lặng.
Lúc sau, có một người nghèo khổ vào nhà nguyện, ông ta sung sướng nhìn túi tiền vàng, tưởng là Chúa ban cho liền xách túi, tạ ơn và đi ra.
Rồi có một chàng thanh niên vào quỳ gối khẩn nguyện xin ơn che chở vì sắp đi xa. Vừa ra khỏi nhà nguyện thì gặp người phú hộ trở lại tìm túi tiền. Không thấy đâu, ông nghi chàng thanh niên đã lấy đi, tranh cãi và cả hai mời cảnh sát phân xử.
Không cầm lòng được nữa, từ trên Thánh Giá, thầy Xê-bat-chiêng hét lên: Đứng lại. Mọi người ngạc nhiên. Thầy phân trần sự việc. Người phú hộ tìm người nghèo xin lại túi tiền. Chàng thanh niên cũng vội vã đi cho kịp chuyến tàu.
Khi không còn ai trong nhà nguyện, Chúa Giêsu lên tiếng bảo Xê-bat-chiêng: “Con hãy xuống ngay khỏi Thánh Giá, con không xứng đáng thế chỗ cho Ta, vì con đã không biết giữ yên lặng như lời con đã hứa.”
Thầy vội vã phân trần: Nhưng lạy Chúa, làm sao con có thể chịu đựng được cảnh bất công đó?
Chúa Giêsu đáp: Thật con không hiểu gì hết! Tiền của người phú hộ là tiền bất lương, trong khi người nghèo đói kia vất vả mà không kiếm đủ miếng cơm manh áo cho đàn con nhỏ. Và nếu chàng thanh niên kia có bị cảnh sát giữ lại, anh ta lỡ chuyến tàu, như thế đã cứu được mạng sống mình. Kìa, tàu của anh ta đang lao đao giữa biển cả sắp chìm vì sóng to gió lớn. (Trích tuyển tập truyện hay, Giấc Mộng Vàng, trang 27).
Câu chuyện gợi nhớ Lời Chúa trong sách Isaia: Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu.
Trong suy nghĩ của con người,chúng ta không thể hiểu được tại sao Chúa Giêsu lại gọi bốn môn đệ đầu tiên để đặt nền tảng xây dựng Giáo hội như bài phúc âm hôm nay vừa kể.
Đó là những người chài lưới “ăn với sóng, nói với gió“, ít học, quê mùa. Chúa Giêsu lại chọn họ làm môn đệ. Tại sao Chúa Giêsu không chọn những Luật sĩ, những Pharisiêu, những Ký lục thông thái?
Cũng như chúng ta cũng hỏi, tại sao Chúa Giêsu không sinh ra nơi cung điện nguy nga lộng lẫy mà lại chọn hang đá Bêlem hôi hám lạnh lẽo để giáng sinh? Tại sao Chúa Giêsu lại chọn cái chết Thập giá đau đớn tủi nhục để làm phương thế cứu độ? Ngắm nhìn Hài Nhi trong máng cỏ cũng như nhìn lên tử tội Giêsu trên thập giá, chúng ta thường tự hỏi tại sao Chúa lại thích những điều nghịch lý? Làm sao người ta có thể tuyên xưng Người là Đấng Giải Thoát khi Người đến trong dáng vẻ yếu đuối bé bỏng?
Thánh Phaolô đã từng thốt lên: Trong khi người Hy lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, trong khi người Do thái tìm các dấu lạ, thì chúng tôi lại rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh. Một sự điên rồ đối với lý trí nhân loại.
Bởi đó, đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của con người. Thiên Chúa là Thiên Chúa. Con người là thụ tạo.
Chúa Giêsu thường chọn những cái nghịch lý để làm những điều vĩ đại. Tám mối phúc thật là nghịch lý đối với người đời nhưng lại là Hiến Chương Nước Trời. Chúa Giêsu không đến với sức mạnh bạo lực nhưng với những gì yếu ớt mỏng manh kết tụ nơi Hài Nhi bé nhỏ. Chúa Giêsu cũng kêu gọi những người tầm thường, những người khiêm nhường bé nhỏ. Chính bằng cái mỏng manh bé nhỏ ấy mà Người khơi dậy nơi con người cái chân tâm để rồi tình yêu của Người giúp họ biến đổi để trở nên những rường cột của Giáo hội.
Như thế Chúa nhìn con người với cái nhìn yêu thương, tôn trọng, luôn thấy cái tốt, cái đáng yêu nơi mỗi người cho dù họ nhỏ bé, họ tầm thường. Chính sự bé nhỏ đó mà Chúa biến đổi để nên lớn lao.
Mỗi người chúng ta trong cách nhìn về tha nhân cũng cần học theo gương của Chúa. Đó là cái nhìn về phía đàng trước, về phía tương lai.
Nhiều lần ta khóa chặt anh chị em mình trong quá khứ lỗi lầm. Nhiều khi chỉ vì vài xích mích, vài lỗi lầm trong cuộc sống, nhưng ta lại vịn vào đó mà phủ nhận, mà phán đoán và đánh giá chính họ theo thành kiến của mình. Có người giận Cha xứ mà bỏ Nhà thờ không đi lễ, không xưng tội rước lễ. Có người tâm sự: mọi người coi tôi như một người xấu xa, ai cũng lên án, ai cũng xa lánh, cùng lắm chỉ thương hại, không còn cánh cửa mở ra phía trước cho tôi.
Về mặt xã hội, mấy mươi năm qua cũng có thái độ xét đoán con người như thế. “Chủ nghĩa lý lịch” tạo nên sự kỳ thị khủng khiếp. Biết bao nhân tài bị mai một, không phát huy được tài năng chỉ vì lý lịch. Biết bao kẻ bất tài nhờ lý lịch được thăng quan tiến chức. Khóa chặt con người trong quá khứ, một quá khứ do cha mẹ, do hoàn cảnh xã hội tạo nên. Vì quá khứ ấy mà mà mọi cánh cửa mở ra cho tương lai của xã hội đất nước cũng bị thiệt thòi.
Cho nên xem ra con người ta vẫn hay nhìn lại phía đàng sau hơn là nhìn về phía đàng trước. Trong khi đó, niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngỏ cho tương lai lại thúc bách ta nhìn về phía tương lai.
Nhìn về phía tương lai là không chấp nhận thái độ thất vọng: thất vọng về chính mình, về anh em, về cuộc đời. Nhìn về phía tương lai là thay thế thất vọng bằng niềm tin: tin vào chính mình, tin vào con người, tin vào cuộc đời… Niềm tin gắn liền với hy vọng. Thất vọng như Giuđa nên đã thắt cổ tự vẫn. Hy vọng như Phêrô, đã từng sa ngã và tin vào ơn thứ tha nên tìm lại mùa xuân tâm hồn. Vào một buổi sáng mùa xuân, có hai người mất hy vọng đang đi với nhau, buồn phiền sầu não chán chường mệt mỏi. Nhưng Đấng Hy Vọng đã tới với họ. Người chuyện trò với họ. Hai môn đệ trên đường Emmau quyết định quay về Giêrusalem. Niềm hy vọng làm bừng dậy sức sống mới. Từ đó Đấng Hy Vọng là niềm hạnh phúc cho nhân loại.
Nhìn về phía tương lai là tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngỏ và dẫn đưa chúng ta đi về quê trời dấu yêu, niềm hy vọng tuyệt vời trên hành trình đức tin.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự nhẫn nại,
để chúng con có thể chờ đợi những điều sẽ xảy đến trong tương lai,
để có thể thay đổi con người chúng con sao cho phù hợp với những điều mà chúng con không mong ước,
để chúng con có thể chấp nhận những người gây khó chịu cho chúng con,
để chúng con có thể sống giữa những giới hạn của cuộc đời này.
Xin ban cho chúng con sự can đảm cần thiết,
để chúng con trở nên bạn thân của những kẻ thù,
để chúng con có thể chấp nhận và hy vọng vào những điều hầu như đã hết hy vọng,
để chúng con có thể đối mặt với những chỉ trích,
để chúng con có thể tin vào những gì có thể và những gì không thể.
Xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan là ơn mà không thể thiếu được trong cuộc sống này,
để chúng con thấy được giá trị ở những điều mà mọi người coi thường nó,
để chúng con có thể chấp nhận những điều không thể giải thích được trong cuộc sống hằng ngày,
để chúng con có được một tinh thần học hỏi và sẵn sàng phó thác vào ân ban của Chúa. Amen. (Lời kinh Hy vọng, trích từ tập kinh “Lời kinh dâng Chúa”)
Về mục lục
.
BƯỚNG BỈNH VÀ NGOAN NGOÃN
Trầm Thiên Thu
Bướng bỉnh và ngoan ngoãn (*) là hai động thái trái ngược nhau, nhưng lại có thể “liên quan” lẫn nhau – từ bướng bỉnh trở thành ngoan ngoãn hoặc ngược lại. Từ “ngưỡng” này qua “ngưỡng” khác phải có sự dứt khoát, phải mạnh mẽ để khả dĩ vượt qua chính mình. Cả người bướng và người ngoan đều cần động thái dứt khoát.
Dứt khoát là không còn đắn đo, cân nhắc hoặc lưỡng lự. Động thái này không dễ thể hiện, vì phải mau chóng phân biệt phải trái và quyết định ngay. Rất khó! Người làm được như vậy là người có tâm lý mạnh và thể hiện tính cương trực. Nói một là một, nói hai là hai: “Điều gì đã quyết là đã quyết” (nói theo kiểu Philatô).
Trong sự dứt khoát có thể có chút gì đó bị người ta cho là tính bướng bỉnh, ngang tàng hoặc “gàn bát sách”, nhưng đó là sự bướng bỉnh cần thiết. Con ngựa chứng là con ngựa giỏi, vì không điều khiển được nó nên người ta cho nó là “chứng” và ghét nó. Với con người cũng vậy!
Thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã đích thân sai ông Giôna đi lần thứ nhất: “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta” (Gn 1:1). Ông vội đứng dậy nhưng không đi theo lệnh mà lại trốn đi Tác-sít, tránh mặt Chúa. Ngang bướng thật đấy! Nhưng kể ra cũng “can đảm” vì dám cãi Thiên Lệnh. Khi đó, ông đã thể hiện tính dứt khoát. Tàu chạy, bỗng dưng sóng gió ầm ầm, người ta gieo quẻ xem rơi trúng ai thì đó là kẻ gây tai họa. Quẻ rơi trúng ông Giôna. Ông tá hỏa tam tinh, cảm thấy mình sai nên hối hận và bảo người ta ném ông xuống biển. Con cá lớn nuốt ông trong bụng ba ngày rồi nhả ông lên bờ.
Sau đó, Chúa lại sai ông Giôna đi lần thứ hai: “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi” (Gn 3:2). Lần này ông không dám bất tuân nên đứng dậy và đi Ni-ni-vê theo lệnh Đức Chúa. Kinh Thánh cho biết rằng Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ” (Gn 3:4). Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Dân Ni-ni-vê thật là ngoan ngoãn, vừa biết bảo nhau vừa biết phục thiện, vậy là diễm phúc lắm!
Thật vậy, Thiên Chúa luôn giàu lòng thương xót, không muốn ai phải hư mất, luôn kiên nhẫn chờ đợi các tội nhân hoán cải, nên khi Ngài “thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Ngài hối tiếc về tai họa Ngài đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Ngài đã không giáng xuống nữa” (Gn 3:10). Đây là niềm hy vọng cho mỗi chúng ta, dẫu có tội lỗi tới mức nào thì cũng hãy cứ tin tưởng, đừng tuyệt vọng! Thiên Chúa chỉ cần chúng ta chân thành sám hối, rồi mọi thứ cũng chỉ là “chuyện nhỏ”, Ngài sẽ thứ tha hết. Thật vậy ư? Thật vậy, chắc chắn như thế, vì chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina:“Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn cả tội lỗi của con và cả nhân loại” (Nhật Ký, số 1485). Biết như vậy không phải để ỷ lại, mà để cố gắng củng cố đức tin yếu mềm của chúng ta.
Nói tin thì dễ, nhưng rất khó để thể hiện và sống đức tin. Là phàm nhân thì ai cũng thế thôi, chẳng nói hay được. Tác giả Thánh Vịnh đã luôn phải cầu xin: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 25:4-5).
Thật vậy, khi còn trẻ, mấy ai không đã từng sa ngã, mấy ai không phải khốn đốn đôi lần, chính nhờ kinh nghiệm “xương máu” đó mà người ta mới nên khôn: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng” (Tv 25:6-7). Ngựa non háu đá, người trẻ háo thắng, đó là chuyện thường tình. Thiên Chúa không chấp chúng ta, nếu Ngài chấp tội thì chẳng ai được cứu rỗi (Tv 130:3), nhưng Ngài muốn chúng ta ăn năn thật lòng, vì Ngài là Thiên Chúa của tình yêu, Thiên Chúa của lòng thương xót: “Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 25:8-9).
Ăn năn sám hối luôn là việc cấp bách, hành động cần thiết hàng ngày, không chỉ cần thiết trong Mùa Vọng, Mùa Chay, dịp tĩnh tâm,… Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này:thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7:29-31). Thời gian là của Chúa, dù trẻ hay già thì cũng chẳng ai biết cuộc đời mình còn bao lâu. Có người còn trẻ và đang khỏe mạnh bình thường, thế mà bất ngờ nghe tin người đó từ trần. Vui mà buồn, buồn mà vui. Làn ranh rất mong manh, khó phân định rạch ròi.
Thánh Phaolô khuyên chúng ta sống mà đừng “chia trí” hoặc “nặng lòng” với những gì ở thế gian này. Sống như vậy không có nghĩa là hờ hững, vô tâm, vô cảm, bất cần đời hoặc “dở hơi”, mà là ngoan ngoãn vâng phục Thánh Ý Chúa. Đó là cách sống của người khôn ngoan: Khôn ngoan để không còn bướng bỉnh, khôn ngoan để tỉnh thức, tỉnh thức mà chờ đợi Chúa đến – chính xác nhất là lúc Ngài đến với cuộc đời riêng mình, lúc “tận thế” của cuộc đời mình, tức là lúc mình chết.
Trình thuật Mc 1:14-20 đề cập “ngày tận thế”, điều đó nhắc nhở mỗi chúng ta ĐỪNG BƯỚNG BỈNH, mà HÃY NGOAN NGOÃN. Trình thuật này cũng cho thấy sự ngoan ngoãn của hai cặp môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu mời gọi đi theo Ngài.
Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, Ngài đã xác định: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Chắc chắn thời đại chúng ta đang sống là “thời kỳ cuối cùng”, chẳng bao giờ có chuyện “đầu thai” kiếp khác. Chỉ có hai kiếp: Kiếp này và kiếp sau. Kiếp sau là vĩnh hằng, nhưng có hai dạng: Hạnh phúc đời đời hoặc khốn nạn đời đời. Tuyệt đối không có dạng “lửng lơ con cá vàng” đâu!
Khi Chúa Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê, Ngài thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Ngài bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Thánh sử Mát-thêu nói rõ: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”. Hai anh em ngư dân này không hề lưỡng lự, không tính toán chi. Đi là đi ngay, dù đang phải lo kế sinh nhai. Động thái đó chứng tỏ họ ngoan ngoãn chứ không bướng bỉnh như ông Giôna xưa.
Một lúc sau, khi đi xa hơn một chút, Ngài thấy hai anh em khác: Giacôbê và Gioan, cả hai là con ông Dêbêđê. Hai anh em này cũng là dân chài lưới, lúc đó Chúa Giêsu thấy họ đang vá lưới ở trong thuyền. Ngài liền gọi họ. Và dù đang bận việc, họ bỏ cha mình ở lại trên thuyền với những người làm công, rồi đi theo Ngài. Hai anh em này cũng rất dứt khoát, sẵn sàng đi ngay.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết dứt khoát với mọi thứ, nhất là đối với tội lỗi, không nặng lòng với bất cứ thứ gì, nhờ đó mà chúng con mới khả dĩ ngoan ngoãn sống đúng theo Thánh Ý Ngài mọi nơi, mọi lúc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
—————
(*) Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (xuất bản tại Saigon, 1895-1896) chữ “ngoan” được sắp vào loại chữ Nho (để phân biệt với những từ thuộc loại chữ Nôm) và giải nghĩa là “cứng cỏi, ngu si, khôn khéo”. Chữ “ngoan” có nhiều nghĩa: Ngoan ma là chai sần (nói về da thịt);ngoan ngạnh là cứng cỏi, chống báng; ngoan dân là dân khó trị; ngoan nhiên là tự nhiên như một cái cây, một cục đá, không trau dồi; ngoan ngùy là khôn ngoan, nhơn lành; ngoan đạo là giữ đạo tốt, đạo đức.
Trong sách Giúp Đọc Nôm và Hán-Việt (NXB Đà Nẵng và Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm, 2004), Lm Antôn Trần Văn Kiệm phân biệt hai hình thức và ý nghĩa của chữ “ngoan”, ghép thành bởi chữ “nguyên” (đầu tiên, ban đầu, nguồn gốc) và bộ “kiến” (thấy, cái nhìn, quan điểm, bản sắc). Trong chữ Nho, ngoan là ngu: Ngoan độn là không biết gì; ngoan thạnh là vô tri, vô giác; ngoan cố là khó bảo, cố giữ lập trường của mình dù biết là sai; ngoan địch là kẻ địch khó trị; ngoan bì hoặc ngoan đồng là hay phá nghịch. Trong chữ Nôm, ngoan chỉ có nghĩa là dễ bảo (ngoan đạo, ngoan ngoãn).
Trường hợp chữ ngoan trong hai nghĩa mâu thuẫn nhau: [1] Ngoan trong chữ Nho là bướng bỉnh, khó bảo, cứng đầu, ngu ngốc, tinh quái; [2] Ngoan trong chữ Nôm là thông minh, khôn ngoan, dễ dạy. Những từ ngữ kiêm dụng được cả hai nghĩa này là ngoan cố (khó bảo, cố chấp) và ngoan cường(mạnh mẽ tự vệ, đề kháng mọi sự chi phối, đàn áp). Trong cách nhìn của kẻ chinh phục, kẻ ngoan cố giữ bản tính, bản chất, bản sắc của mình là ngu ngốc, khó bảo, không vâng lời. Trong cái nhìn của kẻ tự vệ, không muốn bị đồng hoá, ngoan cường mới là khôn ngoan, có giá trị, phải phát huy để sống còn mà không bị tha hoá, biến chất.
Về mục lục
.
THỜI KỲ ĐÃ MÃN VÀ TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN GẦN
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB
Tác giả Mác-cô tóm kết toàn bộ sứ điệp của Đức Giê-su vào một câu tuyên bố long trọng: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!” Chắc chắn lời công bố này có một nội dung mạnh mẽ lắm đối với các thính giả thời đó, cách riêng đối với các môn đệ tin theo Ngài, và cả đối với các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai. Ngày nay, ngoài một số nhà thần học và Thánh Kinh đào sâu vào từ vựng Hy Lạp ‘Kairos’ tôi thiết nghĩ rất ít Ki-tô hữu, thậm chí cả linh mục tu sĩ, thật sự nhận ra được tầm quan trọng và sâu sắc của sứ điệp nòng cốt này của Đức Ki-tô.
Đức Giê-su công bố: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”, tức là thời kỳ chin mùi trong kế hoạch của Thiên Chúa đã điểm; đã đến thời Thiên Chúa ra tay hành động. Người gọi đó là ‘Kairos’, là cao điểm, là lúc quyết định của toàn bộ lịch sử, lịch sử nhân loại nói chung cũng như lịch sử của từng cá nhân con người nói riêng. Lịch sử cũ đã hoàn toàn chấm dứt, và một kỷ nguyên mới đã thực sự mở màn, kỷ nguyên không do con người mà là do chính Thiên Chúa chủ động. Theo Catholic Dictionary thì trong Tân Ước, từ vựng ‘Kairos’ gắn với hành động mang tính quyết liệt. ‘Kairos được coi là ‘Krisis’ trong nội dung từ vựng Hy Lạp, nghĩa là một bước ngoặt, một đổi đời, giây phút mà một người hoàn toàn thoát khỏi cái cũ để tiếp nhận cái mới. Đức Giê-su thậm chí khảng định đó là một cuộc sinh lại (không phải chỉ là tái sinh theo nghĩa phổ thông) (x. Ga 3:3-6). Điều này được Phao-lô gọi là cuộc tạo dựng mới, trời mới đất mới, tạo vật mới, A-đam mới… Phao-lô đã không ngần ngại gọi các tín hữu Cô-rin-tô mới được rửa tội là ‘các người đã được hiến thánh trong đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta.’ (1Cr 1:2), cho dầu sau đó gần như trong suốt lá thư thứ nhất gửi cho họ, ông không ngừng nêu lên những tội lỗi tầy trời họ phạm. Chắc hẳn ông đang nhấn mạnh trên con người mới thánh thiện của họ, trước cả khi kêu gọi họ sửa đổi con người cũ tội lỗi.
Lối nhìn này không thể bị cho là suy tư thần học viển vông mà chính là một nhãn quan rất triệt để và căn bản về ơn gọi Ki-tô hữu và sứ điệp Tin Mừng. Thời đầu các Ki-tô hữu đã từng coi “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ không như một tiến trình lâu dài tiệm tiến, ngược lại như một điều đang xảy ra tức thời, và hơn nữa đã được thành sự rồi. Ơn cứu độ không như một chỉnh sửa luân lý tiệm tiến, mà như một cuộc cách mạng toàn diện, đảo lộn tới tận gốc rễ. Nếu có lời kêu gọi sửa đổi thì cũng luôn mang tính cấp bách phải làm ngay, vì đã tới ‘Kairos’, ‘thời kỳ đã mãn’. Tư tưởng này mạnh tới nỗi ngày nay nhiều người có ấn tượng các tín hữu thời đó đã mắc phải sai lầm khi nghĩ rằng: giờ cánh chung, ngày quang lâm đã điểm tức thời, ngay trong thế hệ của họ.
Nguyên nhân của hai nhãn quan đối kháng nhau này phải chăng đơn giản vì hai khuynh hướng trái nghịch: gom lại hoặc tách rời hai vế ‘hãy sám hối’ và ‘tin vào Tin Mừng’? Ngày nay có nhiều người bó gọn Tin Mừng vào việc ‘hãy sám hội’, thậm chí có người còn coi ‘tin vào Tin Mừng’ chỉ là một khởi sự, thậm chí một phương tiện của việc tu thân tích đức. Người ta đã quên mất ‘thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần’, rằng với sự xuất hiện của Đức Giê-su Ki-tô, nhất là với sự chết và phục sinh của Người, ‘Kairos’ đã điểm. Không may suy nghĩ phổ thông của nhiều tín hữu vẫn là: một người được cứu độ chủ yếu là do đã sửa lỗi, đã ăn năn hoán cải và trở nên tốt lành, với sự hỗ trợ của các bí tich ban ơn sủng…, hơn là do chính ơn cứu chuộc Đức Ki-tô đã thực hiện qua Nhập Thể và Thập Giá. Nói nôm na bình dân, người ta nghĩ: được lên thiêng đàng là do công nghiệp mình đã thu tích, hơn là do lòng nhân hậu xót thương vô biên của Thiên Chúa. Ôi, cùng là Ki-tô hữu mà sao hai thế hệ lại có thể hiểu nghịch nhau đến như thế về nội dụng rất nền tảng của Tin Mừng?
Là linh mục, tôi làm tốt trong vai trò lãnh đạo khi giúp các tín hữu ăn năn sám hối để sửa chữa lỗi lầm đã phạm, nhưng tôi phải làm gì trong tư cách mục tử của Đức Ki-tô? Chính bản thân mình, tôi vẫn thường tự hào chau chuốt về trình độ tốt lành đạo đức mình đạt được (qua thời gian dài được đào tạo trong chủng viện?), hay vui mừng trông cậy vào ơn cứu độ Chúa đổ xuống tràn lan trên tôi? Và như Phao-lô, tôi có thật sự tôn trọng sự thánh hiến mà các tín-hữu đã lãnh hội từ ngày họ lãnh bí tích Rửa Tội, trong khi vẫn nỗ lực nhắc nhở họ vươn lên từ những khuyết điểm của đời sống thường ngày? Tôi có thật sự xác tín “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” phải được áp dụng cho chính tôi trước hết hay không?
Lạy Thiên Chúa từ nhân cứu độ, Chúa đến trần gian để chỉ lối và dẫn dắt các chiên đi vào con đường thẳng tắp của ơn cứu độ dẫn tới Chúa Cha, nhưng con, mục tử của Chúa, lại đưa chúng đi trên con đường vòng vo lê thê của luân lý và đạo hạnh; lý do là vì chính con chưa dám tin vào lối tắt đó. Xin dạy con biết xác tín rằng, hoàn toàn do lòng từ nhân, Chúa đã thánh hiến con trước cả khi con nên hoàn thiện. Xin cho con hiểu ‘thời kỳ đã mãn’ cho chính con, và cho hết thảy mọi người. A-men.
Về mục lục
.
LÝ TƯỞNG THEO CHÚA
Lm. Jos. DĐH
Ở đâu được no cơm ấm áo, đó là tổ quốc của tôi. Ở đâu mà mọi người có thể sống vui vẻ, hòa thuận với nhau ? nhiều người sẽ nghĩ nơi đó phải là nơi không có tranh chấp hận thù, ai ai cũng có sự bình đẳng, tự do. Có thể còn nhiều lý tưởng về công danh sự nghiệp khác nữa, nhưng thời đại, hoàn cảnh nào, người ta cũng hướng tới đích điểm hạnh phúc, tuy không rõ, hoặc có khác nhau về khái niệm hạnh phúc.
Lý tưởng nơi các môn đệ theo Đức Giêsu, nơi người Kitô hữu chúng ta hôm nay, hẳn không phải là hướng tới đau khổ tinh thần thể xác, hay chú trọng vào Đức Giêsu hùng biện, một Đức Giêsu ở Nagiarét tài giỏi, khó hiểu ! Lý tưởng của Thầy Giêsu đến trần gian không nhằm qui tụ một số người tài giỏi, Đức Giêsu không “cá tính” tới độ chỉ gọi một số người chài lưới làm đệ tử.
Nếu đọc Kinh Thánh, suy tư một chút, ta sẽ thấy Đức Giêsu không từ chối bất cứ ai, dù giầu nghèo, tội lỗi hay công chính, Ngài đều tìm gặp, kêu gọi…. Bằng tình yêu thương, tận tình tận tâm, chịu chết và sống lại, Đức Giêsu muốn gọi tất cả mọi người, mọi thời, không phân biệt, đến với Ngài tận hưởng niềm vui ơn cứu độ; nghĩa là biết đến lý tưởng hạnh phúc cuộc đời mình trong tình yêu Đức Kitô.
Thông thường để nghe được âm thanh, chỉ cần người ta không điếc tai; để hiểu và phân biệt tín hiệu buồn vui, thật giả, người ta phải có tư duy hợp lý. Muốn thông truyền một kiến thức xã hội, người ta cần có sư phạm, kinh nghiệm của bản thân, mới giúp người khác dễ hiểu và đạt được kết quả…. Cuộc sống thường ngày người ta vẫn gọi nhau đi làm, hay cùng bạn bè “trút bầu tâm sự”. Nhưng đâu thấy tình thầy trò, chiêu sinh theo kiểu mơ hồ…. : không chú ý tới trình độ, chẳng cần dò xét lý lịch…., như “Thầy Trò” Giêsu xưa kia ?
Nếu trở nên nổi tiếng vì chữa được các bệnh tật thể xác thì Đức Giêsu không ham hố, bởi Ngài không lấy “thù lao”, cũng chẳng vô công dồi nghề như thế ! Thật ra bằng những lời giáo huấn áp đặt, Đức Giêsu kêu gọi mọi người tin tưởng, sám hối, kết hiệp với tình yêu Chúa; hầu sẽ được chữa trị phần hồn, được ơn cứu độ, đó mới mục đích, là thực thi sứ mạng của Chúa Cha. Bốn vị chài lưới không phải suy xét hay tò mò, mà xuất phát bởi sự đơn sơ thì đúng hơn, các ông vừa đủ nghe được âm thanh gọi mời của Thầy Giêsu, cho dù lúc ấy có khá nhiều người mến yêu Đức Giêsu.
Theo tự nhiên, Thầy giỏi mà không học trò nào thọ giáo thì vừa uổng phí, vừa không thể minh chứng cho người đời về khả năng, tài trí bản lãnh của mình…. ? Đức Giêsu thực hiện sứ mạng cứu độ trần gian, Ngài cần các cộng sự, cần đến tình yêu, sự đáp trả giữa con người với Thiên Chúa, mà Ngài là trung gian. Vì nơi Đức Giêsu ngập tràn tình yêu thương : dân chài lưới, người công chính, kẻ tội lỗi, hoặc chúng ta hôm nay đều có thể tự tin thưa vâng khi Chúa gọi làm tông đồ, làm chứng nhân tình yêu.
Tuy đau khổ về thân xác, túng thiếu nghèo đói về tinh thần thời nào cũng có, nhưng để nhận ra lý tưởng hạnh phúc, người ta chỉ nghe, hiểu về Chúa Giêsu với điều kiện căn bản : sám hối và tin vào Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Không phải chỉ nơi các môn đệ đầu tiên ở bờ biển Galilêa, mà tất cả những ai được kêu gọi theo Chúa đều phải trải qua cuộc hoán cải sâu thẳm trong tâm hồn. Khi bước theo Thầy Giêsu, các môn đệ năm xưa đã thấy, các ông được biến đổi nên xứng hợp với chiều kích Tin Mừng trong sứ vụ mới, trong triều đại Nước Thiên Chúa đã gần đến.
Có thể mỗi chúng ta hôm nay đều không thích sự rích rắc theo Thầy Giêsu phải từ bỏ nhiều thứ quá, nhất là bỏ mình ! Đúng là vừa ngán vừa sợ, nếu không hiểu biết Tin Mừng Nước Thiên Chúa luôn đi liền với sám hối, canh tân, thì chưa thực sự là tin vào Đức Kitô. Có thể tiền của vật chất, địa vị xã hội gắn liền với con người từ bao thời nay, đến độ nhiều người hiểu lầm đó là lý tưởng cuộc đời mình ! Thầy Giêsu sẽ không kêu gọi ai làm môn sinh theo chiều hướng tìm kiếm danh vọng, bổng lộc trần thế…..
Thiên Chúa là tình yêu, nhân từ với tội nhân, chúng ta sẽ gặp Chúa ở đâu ? Nghe tiếng Thiên Chúa gọi ở nơi nào ? Cũng có thể, là trong công việc làm ăn hàng ngày ! Thiên Chúa diễn tả tình yêu nơi Đức Giêsu hẳn rất phong phú, nhất định không phải lúc nào cũng ở nơi bờ biển Galilêa, hay trong thinh lặng của tu viện, hoặc sự tình cờ nào đó …..Về phạm vi tự nhiên, nếu ta không đọc sách, thì sách có giá trị mấy cũng vô nghĩa mà thôi ! Nếu gọi là thuốc tiên mà ta không dùng thuốc đúng liều lượng, theo chỉ dẫn của y bác sỹ thì làm sao khỏi bệnh được ?
Trong khi Đức Giêsu gọi chọn các ngư phủ làm môn đệ, ít nhiều vẫn để lại nhiều thắc mắc : đâu là tiêu chuẩn theo Chúa, vì ta xứng đáng, tài giỏi, hay do tình yêu thương Chúa muốn. Có thể Chúa Giêsu xưa kia đã nghĩ tới Giáo Hội hôm nay, và nghĩ tới việc chúng ta theo Chúa luôn phải đối diện với khó khăn : dễ chán nản, dễ bỏ cuộc vì chúng ta quá nặng nề tính ích kỷ, phải lo cơm áo gạo tiền, không thể phân biệt đâu là hạnh phúc thật. Amen.
Về mục lục
.
SEQUELA CHRISTI – ĐI THEO ĐỨC KITÔ
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.
  1. “Sau khi Gioan bị nộp”
Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô của Thánh Lễ Chúa Nhật III năm B hôm nay, bắt đầu bằng cách xác định bối cảnh:
Sau khi Gioan bị nộp.
Thánh Gioan “bị nộp”, điều này có nghĩa là bị bắt, bị giam và bị giết một cách bất công. Đó là kế hoạch của con người phát xuất từ lòng ghen ghét đi đôi với bạo lực, không chấp nhận những gì thuộc sự thật và ánh sáng. Nhưng đồng thời đó cũng là, một cách mầu nhiệm, “kế hoạch của Thiên Chúa”, như Thiên Chúa đã hành động trong lịch sử cứu độ, và vẫn còn hành động như thế trong lịch sử loài người và trong chính cuộc đời chúng ta: Ngài nương theo hành trình của sự dữ và tội lỗi để thực hiện kế hoạch của Người. Thật vậy, sự kiện Gioan bị nộp (in divine passive, ở thể thụ động thần linh) lại loan báo mầu nhiệm Thương Khó của Đức Giê-su, như lời truyền phép trên bánh trong Thánh Lễ:
Anh em hãy nhận lấy mà ăn.
Đây là mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em”.
Mầu nhiệm Thương Khó vừa mặc khải bộ mặt thật của Sự Dữ để giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, vừa mặc khải khuôn mặt rạng ngời của Thiên Chúa cũng như sức mạnh và sự khôn ngoan của Người vượt thắng Sự Dữ và sự chết.
  1. Tin Mừng Nước Trời
Và ngay sau khi Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa:
Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Nước Trời mà Đức Giê-su rao giảng mời gọi thực hiện hành trình sám hối. Bởi vì, để đón nhận Nước Trời, chúng ta phải từ bỏ tất cả những gì ngăn cản chúng ta đón nhận Nước Trời, phải giữ khoảng cách với tất cả những gì không thuộc về hay không giúp hướng về Nước Trời. Nhưng đàng khác, Nước Trời cũng lôi kéo chúng ta và làm chúng ta say mê, vì Nước Trời làm cho no thỏa những khát vọng thâm sâu và mạnh mẽ nhất của con người. Loài người chúng ta dựng nên bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, vì thế, tự bản chất hướng về Nước của Thiên Chúa.
* * *
Chúng ta có thể nghĩ đến những kinh nghiệm “bị nộp’ nho nhỏ hằng ngày của chúng ta: đó là những lúc chúng ta bị coi thường, không được tôn trọng, bị hiểu lầm, bị phân biệt; và những kinh nghiệm “bị nộp” lớn hơn: bị ghét, bị loại trừ, bị bách hại. Nhưng đó lại là những cơ hội tốt, Chúa mời gọi để chúng ta công bố Tin Mừng của Thiên Chúa, làm chứng cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, sống sự “hiền lành và khiêm nhường” của Đức Ki-tô, bày tỏ lòng thương xót và bao dung của Thiên Chúa, như chính Người sẽ nói:
Người ta sẽ nộp anh em…, nhưng đó là cơ hội làm chứng cho họ được biết.
(Mc 13, 9)
Hay đúng hơn và sâu sa hơn, đó là những cơ hội để cho Đức Kitô đến công bố Tin Mừng của Ngài ngay trong những khó khăn và thử thách của chúng ta.
  1. Tin Mừng Nước Trời và ơn gọi
Vẫn chưa hết hoa trái của biến cố “thánh Gioan bị nộp”, vì đó còn là lúc Chúa thực hiện kế hoạch kêu gọi các môn đệ đầu tiên để chia sẻ sự sống và sứ mạng của Ngài một cách nhưng không. Điều này giúp chúng ta hiểu ơn gọi của chúng ta một cách mới mẻ: ơn gọi của chúng ta thuộc về Tin Mừng Nước Trời, là dấu chỉ của Tin Mừng Nước Trời, của “Niềm Vui Tin Mừng”, như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhấn mạnh cách đặc biệt. Thực vậy, đời dâng hiến, giữa đời hay trong một Hội Dòng, mà Giáo Hội cầu nguyện, suy tư, canh tân và cổ võ trong Năm Đời Sống Thánh Hiến, là dấu chỉ sống động của Nước Trời.
Chiêm ngắm cách Người kêu gọi các môn đệ đầu tiên, chúng ta có thể nhận ra ba đặc điểm, và ba đặc điểm này cũng thuộc về mọi ơn gọi.
a. Đức Giê-su đến tận nơi
Như thánh sử Mác-cô kể lại cho chúng ta trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su đến tận nơi, gặp gỡ và kêu gọi hai lần, mỗi lần hai anh em:
Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.
Trong thực tế, chúng ta bỏ nhà đi theo Chúa trong một ơn gọi, nhưng khi đọc lại hành trình ơn gọi, chúng ta sẽ nhận ra rằng, chính Đức Giê-su đến gặp gỡ tại nơi chúng ta đang sống, đang là, chính Người đi bước trước, đến tận nơi chúng ta đang ở, hiện diện trong hoàn cảnh của chúng ta, gặp gỡ chúng ta khi chúng ta đang loay hoay “với lưới với thuyền” cùng với những người thân yêu… Chính Người gõ cửa lòng chúng ta và mời gọi: “Hãy theo Thầy”. Tương tự như sau đó, Người gọi thánh Mát-thêu:
Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! ” Ông đứng dậy đi theo Người.
(Mc 2, 14)
b. Người kêu gọi cách nhưng không
Tiếp đến, chúng ta được mời gọi nhận ra tính nhưng không của ơn gọi. Thật vậy, Đức Giêsu gọi hai anh em Phêrô và Anrê, hai anh em Giacôbê và Gioan, như các ông đang là, đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình, đang bân rộn với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống. Ngài dường như không cần chuẩn bị “lâu dài” các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe.
Tiếng gọi của Đức Giê-su dành cho mỗi người chúng ta cũng nhưng không như thế, dù trong thực tế đã diễn ra như thế nào và đã trải qua những thăng trầm nào. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa tự bản chất là nhưng không. Chúng ta đừng bao giờ để phai nhạt đi sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi nhưng không của Đức Giêsu: tại sao Chúa lại gọi con? Tại sao Chúa lại chọn con? Tại sao lại dẫn con đi trên con đường này? Tại sao Chúa lại sai con? Tại sao Chúa lại trao cho con sứ mạng này? Tại sao Chúa lại trao cho cho “chén” này?… Chúng ta hãy làm mới lại sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi của Đức Giêsu, vì đó là động lực giúp chúng ta làm mới lại lời đáp của chúng ta.
c. Tiếng gọi của Người có sức mạnh
Sau cùng, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm sức mạnh của tiếng gọi. Thật vậy, tiếng gọi của Đức Giê-su mạnh đến độ làm bật tung « lập tức » (c. 18) các môn đệ đầu tiên ngay tại nơi các ông đang làm việc cùng với những người thân yêu, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống các ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông.
Khi nghe tiếng gọi, hai anh em Simon (là thánh Phê-rô sau này) và An-rê “lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người”; còn hai anh em Gia-cô-bê và Gioan thì bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công mà đi theo Người. Hai anh em kia bỏ công danh sự nghiệp, còn hai anh em này thì bỏ những người thân yêu, bỏ gia đình êm ấm và khá giả nữa (vì có người làm công). Lời Chúa có sức mạnh như thế đó, mạnh đến độ làm bật tung các môn đệ đầu tiên ra khỏi ra khỏi những người các ông đang gắn bó và yêu mến, ra khỏi các phương tiện nuôi sống các ông và gia đình, ra khỏi sự nghiệp, ra khỏi những dự tính bình thường của các ông.
Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và quảng đại mở lòng ra để đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta, là Lời tái tạo chúng ta, và là sự sống mới của chúng ta.
Tương tự như dân thành Ni-ni-vê, được kể lại trong bài đọc I của Thánh Lễ hôm nay, Lời Chúa được công bố ngang qua lời rao giảng của ngôn sứ Gio-na, đã biến đổi toàn diện và tặn căn như thế nào cả một thành đô:
Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ!
(Gi 3, 1-5)
Và để cho Lời Chúa được gieo và sinh hoa kết quả trong lòng chúng ta, thánh Phao-lô mời gọi chúng ta, trong bài đọc II, sống sự thật này mỗi ngày, một sự thật rất đời thường, nhưng lại hay bị gạt bỏ, vì thế chúng ta thường hay tuyệt đối hóa những điều tương đối:
Thời gian chẳng con bao lâu nữa… Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.
(1Co 7, 29.31)

* * *
Ơn gọi thiết yếu là một tương quan: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, như trường hợp các môn đệ đầu tiên : Đức Giê-su mời gọi : « Các anh hãy đi theo tôi », và « lập tức các ông bỏ chài, bỏ thuyền, bỏ cha mà theo Người”. Vì đây là ơn gọi đầu tiên của mọi ơn gọi trong Giáo Hội mà Đức Giê-su sẽ thiết lập, nên cách Ngài gọi các môn đệ đầu tiên chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn.
Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày. Ngài đi ngang qua đời ta mỗi ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật nhưng không, bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách nhưng không, bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường tìm hiểu và sống ơn gọi dâng hiến.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét